Thứ Tư, 17/01/2024, 10:10 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Phát huy lợi thế để phát triển huyện cù lao

Thời gian qua, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nỗ lực triển khai thực hiện theo Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Tân Phú Đông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 13) và Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 10).

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG, NÔNG - THỦY SẢN

Theo đó, huyện Tân Phú Đông cụ thể hóa Nghị quyết 13 bằng Chương trình hành động 24 của Huyện ủy và Kế hoạch 141 của UBND huyện; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tỉnh mời gọi đầu tư 2 dự án nông nghiệp công nghệ cao gồm Dự án Nuôi thủy sản công nghệ cao với diện tích 28,7 ha và Dự án Nuôi thủy sản công nghệ cao khoảng 352 ha tại ấp Cồn Cống (xã Phú Tân).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh khảo sát tiềm năng phát triển du lịch sinh thái khu vực Cồn Cống (xã Phú Tân).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh khảo sát tiềm năng phát triển du lịch sinh thái khu vực Cồn Cống (xã Phú Tân).

Huyện đã thực hiện xong việc lập quy hoạch vùng huyện Tân Phú Đông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Huyện cũng đã bổ sung các công trình, dự án theo Kế hoạch 141 của UBND huyện thực hiện Nghị quyết 13; trong đó, có Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công II.

Cùng với đó, các công trình trọng điểm của huyện được tập trung quan tâm thực hiện như đường tỉnh 877B (đoạn từ xã Phú Thạnh đến Tân Thới) dài hơn 17 km; đường huyện 84B, đường huyện 83C (đoạn từ trung tâm xã Tân Thạnh đến cuối ấp Tân Thành 2) dài khoảng 5 km đã được đầu tư đưa vào sử dụng; hoàn thành các đoạn còn lại của đường huyện 83C. Bên cạnh đó, cầu qua xã Tân Thạnh đang tiến hành thi công.

Huyện cũng đã triển khai các công trình giao thông kết nối ngoài vùng như đường tỉnh 877B đoạn bến phà Tân Thới - Bình Ninh, đoạn khu trung tâm huyện, đường bến phà Bình Tân - Cửa Đại, đường tỉnh 872B từ bến phà Tân Long đến đường tỉnh 877B; thực hiện hoàn thành việc kéo dài thêm cầu dẫn bến phà Tân Long, đầu bến Gò Công Tây, nhằm tạo điều kiện, phục vụ giao thông thuận lợi hơn cho người dân.

Trong năm 2023, huyện Tân Phú Đông đã triển khai thi công 61 công trình xây dựng cơ bản; tiến độ giải ngân đạt 100%, với tổng nguồn vốn gần 393 tỷ đồng, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện ngày càng hoàn chỉnh.

Với lợi thế về nông nghiệp - thủy sản, huyện đẩy mạnh phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung vào các loại nông - thủy sản chính của huyện như cây sả, con tôm, cây dừa.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025” tại vùng sản xuất thuộc Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Kết quả đến nay, phần lớn diện tích trong vùng được chuyển đổi sang trồng sả, hoa màu và các loại cây ăn trái.

KHAI THÁC LỢI THẾ BIỂN

Thực hiện Chương trình hành động 188 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 10, bên cạnh nông - ngư nghiệp, huyện còn quan tâm phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá các ngành có lợi thế của địa phương để xây dựng danh mục mời gọi đầu tư; quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp tại xã Phú Thạnh có diện tích 75 ha.

Thực hiện Quyết định 2666 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; trong đó, huyện Tân Phú Đông có 2 danh mục dự án là Dự án Chợ và khu phố chợ xã Phú Thạnh, Dự án Bến phà Vàm Giồng.

Đối với Dự án Chợ và khu phố chợ xã Phú Thạnh được UBND huyện tiếp tục đề xuất danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất theo Nghị định 25 của Chính phủ để mời gọi đầu tư. Huyện còn phối hợp với sở, ngành tỉnh mời gọi đầu tư du lịch sinh thái tại Cồn Cống và trùng tu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân). Đồng thời, thực hiện các dự án xây dựng đê bao ngăn mặn, triều cường kết hợp với giao thông ở 2 xã Tân Thới và Tân Thạnh.

Qua quá trình xây dựng và phát triển cho thấy, Tân Phú Đông có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển hơn nữa theo chủ trương của Tỉnh ủy xây dựng huyện Tân Phú Đông phát triển nhanh và bền vững, với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, huyện cũng còn một số hạn chế như một số mặt hàng nông sản giá không ổn định dẫn đến tâm lý người dân lo ngại đầu tư phát triển sản xuất. Các mô hình kinh tế hợp tác ở huyện như hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô sản xuất nhỏ, vốn kinh doanh còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao...

Trong thời gian tới, huyện Tân Phú Đông tập trung phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng theo Nghị quyết 10 trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó tập trung cao cho các tiêu chí khó thực hiện như nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm…

Trước mắt, huyện quyết tâm xây dựng các xã Tân Thới, Tân Phú và Phú Thạnh theo các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; tập trung thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với du lịch sinh thái, từng bước hình thành trung tâm du lịch ven biển ở khu vực Cồn Cống (xã Phú Tân), kết nối với các tuyến du lịch khu vực Gò Công theo Chương trình hành động 29 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

HỮU DƯ

.
.
.