Vì sao Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu?
Có thể tiêu đề bài báo này gây băn khoăn với nhiều bạn đọc, nhất là trong bối cảnh số doanh nghiệp kỷ lục rời thị trường, công ăn việc làm khó khăn và tăng trưởng không đạt trong ba năm liên tiếp.
Băn khoăn đó là có thể hiểu được vì người Việt Nam cần nhìn vào chính mình để rút kinh nghiệm và vươn lên, rút ngắn khoảng cách với phát triển. Cách tiếp cận này là cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn rộng ra bên ngoài xem thế giới đã đánh giá thế nào về Việt Nam, cũng như tiềm năng của nước ta để xem tiêu đề bài viết trên có đúng hay không.
Trước tiên, phải nói đến hoạt động đối ngoại đã diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế xã hội và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta đã liên tiếp đón tiếp thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Chỉ vài tháng sau đó, Việt Nam cũng đón tiếp thành công chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước sang thăm chính thức Nhật Bản, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện; Thủ tướng thăm Trung Quốc, Mỹ, Brazil; Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Băng-la-đét, Bungary…
Ngày hôm nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện và Đối tác Chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20, mở ra nhiều cơ hội mới để phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, đào tạo nhân lực, môi trường, biên đổi khí hậu đã được tiến hành; các cơ hội mới được mở ra cho các lĩnh vực chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ.
Việt Nam cũng đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP,..,) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu.
Bên cạnh những thành tựu đối ngoại nổi bật, về kinh tế, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 83 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 61,67 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký đầu tư mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với năm 2022, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. FDI thực hiện năm 2023 ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
Năm 2023, 12,6 triệu lượt khách quốc tế đã đến thăm nước ta, gấp 3,4 lần năm 2022. Du lịch phục hồi kéo theo nhiều công ăn, việc làm và thu nhập thực cho người dân.
Theo Báo cáo GII 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Báo cáo ghi nhận Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57.
Việt Nam là một trong bẩy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran. Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).
Việt Nam là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua |
Các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng và điều hành vĩ mô của nước ta. IMF dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2023, tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt 20%/năm trong giai đoạn 2023-2025, cao nhất tại khu vực và đạt quy mô 45 tỷ USD vào năm 2025.
Theo JETRO, Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong hai năm tới. Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách quốc gia an toàn nhất thế giới (xếp thứ 41) theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín khác cũng đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Trong tháng 12, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”; Moody’s (tháng 5/2023) giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”. S&P (tháng 6/2023) duy trì xếp hạng tín nhiệm của VN ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 5/2023 của Economist Intelligence Unit tăng 12 bậc. Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 01 bậc, lên xếp thứ 32 trên 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD.
Theo hãng Brand Finance, giá trị thương hiệu Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách quốc gia an toàn nhất thế giới (xếp thứ 41) theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).
Có thể nói, nhìn từ bên ngoài vào thì chúng ta rất tiềm năng, đặc biệt ở sức mua, dân số và vị trí địa chiến lược.
Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động và còn kéo dài. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt, toàn diện hơn, xu hướng tập hợp lực lượng, thành lập các liên minh để tạo ảnh hưởng, đối trọng diễn ra khá mạnh mẽ, gia tăng căng thẳng địa chính trị, mức độ đối đầu, xu hướng phân tuyến, phân cực ngày càng rõ nét; cuộc xung đột Nga – Ucraina và Israel – Hamas, Biển Đỏ diễn biến phức tạp, tác động tới quá trình phục hồi của thế giới hậu đại dịch COVID-19.
Kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đảm bảo kiểm soát hiệu quả; lạm phát tác động tiêu cực và tiếp tục là nguyên nhân chủ yếu làm thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhìn nhận một cách tích cực từ lăng kính bên ngoài là đáng kể, như là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Theo VietNamNet