Thứ Bảy, 20/01/2024, 13:35 (GMT+7)
.

'Vua trái cây' Việt đổ bộ Trung Quốc, thị phần của Thái Lan giảm mạnh

Được gọi là “vua trái cây” của Việt Nam, loại quả này đổ bộ sang Trung Quốc, thu về 2,3 tỷ USD trong năm 2023. Đây là nguyên nhân khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan tại Trung Quốc năm qua giảm mạnh.

Là một trong 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch vào giữa tháng 9-2022, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Chánh Thu, cho biết, doanh nghiệp vẫn đều đặn đóng sầu riêng để xuất sang thị trường này.

Bà thông tin, doanh thu của công ty năm 2023 tăng gấp đôi so với năm 2022 nhờ sự lên ngôi của trái sầu riêng. Sầu riêng đóng góp tới 80% trong tổng doanh thu của công ty, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 75% mảng này.

Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trái cây, nếu tạo dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng, bà Vy nhấn mạnh.

a
Đồ họa: Tâm An

Không chỉ riêng Chánh Thu, nhiều công ty xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cũng báo tin doanh thu tăng mạnh trong năm vừa qua và dự kiến mở rộng quy mô xuất khẩu trong năm nay. 

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tiết lộ, có hàng trăm khách hàng từ Trung Quốc đang xếp hàng đợi mua sầu riêng của HAGL.

Năm nay HAGL dự kiến thu hoạch ít nhất 300-400ha sầu riêng, tức diện tích cho thu hoạch cao gấp 10-13 lần năm 2023. Vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp sẽ bán trực tiếp cho các nhà phân phối của Trung Quốc chứ không bán qua thương lái.

Thực tế, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhiều năm nhưng theo đường tiểu ngạch. Đến tháng 7-2022, Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Từ đó đến nay, sầu riêng - loại quả được gọi là “vua trái cây” Việt đổ bộ sang Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt nhận được những đơn hàng lớn lên đến hàng nghìn container sầu riêng từ phía đối tác của quốc gia này. 

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng dựng đứng. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của nước ta chỉ đạt 420 triệu USD, nhưng kết thúc năm 2023 “vua trái cây” đem về 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và gấp 10 lần so với năm 2021.

a
Thị phần sầu riêng Việt tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh (Đồ họa: Tâm An)

Cuộc đổ bộ của sầu riêng Việt sang thị trường Trung Quốc trong năm qua khiến thị phần của Thái Lan sụt giảm mạnh. 

Trước đó, người Thái cũng lo lắng khi sầu riêng Việt được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân này. Ngay lập tức, Thái Lan có nhiều hành động để nâng cao chất lượng sầu riêng nhằm tăng sức cạnh tranh và giữ thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Thái Lan từng là nhà cung cấp hoàn toàn sầu riêng cho thị trường Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, thị phần sầu riêng của Thái Lan đã giảm xuống còn 95% trong năm 2022, do Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với thị phần chiếm 5%. 

Tính đến 10 tháng năm 2023, thị phần sầu riêng của Thái Lan giảm mạnh còn 70% và thị phần sầu riêng từ Việt Nam tăng lên 30%. 

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng tại Trung Quốc tăng, thậm chí dung lượng thị trường có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, cạnh tranh xuất khẩu sẽ gay gắt hơn và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà cung cấp.

Hiện, không chỉ có Thái Lan và Việt Nam, bắt đầu từ năm nay Malaysia cũng sẽ xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau khi sầu riêng tươi của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, Cục đang tiếp tục đàm phán cho sản phẩm sầu cấp đông vào thị trường này.

Các thủ tục hiện nay gần như đã hoàn thành, chỉ chờ ký kết nghị định thư là sản phẩm sầu đông lạnh của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

a
Sau sầu riêng tươi, Việt Nam đang chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc (Ảnh: Báo Đắk Nông)

“Một container sầu đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu quả tươi”, ông Dương nói. Đồng thời, mở cửa được cho sản phẩm cấp đông, chúng ta sẽ giải quyết được áp lực vấn đề mùa vụ, hàng mẫu mã xấu có thể tách cơm cấp đông, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT tính toán, với diện tích 130 nghìn ha, sản lượng sầu riêng năm nay của nước ta ước khoảng 1,2 triệu tấn. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt 246 mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, khi mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được phê duyệt nhiều hơn đồng nghĩa lượng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng tăng theo.

Cùng với đó, sau một năm thâm nhập thị trường, người tiêu dùng dần quen với thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Do vậy, ông kỳ vọng năm nay xuất khẩu sầu riêng sẽ đem về 3,5 tỷ USD, dần bắt kịp kim ngạch xuất khẩu loại quả này của Thái Lan.

Tại các vùng trồng ở nước ta, sầu riêng nghịch vụ đang cho thu hoạch. Nhà vườn bán loại quả này với giá cao chót vót. Đơn cử, sầu riêng Ri6 ở mức 85.000-106.000 đồng/kg; giá sầu riêng Monthong ở mức 137.000-160.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King giữ mức 160.000-190.000 đồng/kg.

Theo vietnamnet.vn
 

 

.
.
.