Thứ Hai, 12/02/2024, 20:11 (GMT+7)
.

Năm lãi chưa từng có của người trồng sầu riêng, cà phê

Giá sầu riêng, cà phê, lúa tăng kỷ lục trong năm 2023 giúp nông dân Tây Nguyên và miền Tây lãi đậm.

Những ngày cận Tết Giáp Thìn, nhiều nhà vườn ở miền Tây tất bật thu hái sầu riêng trái vụ để xuất bán sang Trung Quốc. Mỗi trái sầu trọng lượng 5 kg được nhà vườn bán gần triệu đồng, tức khoảng 200.000 đồng một kg.

Ông Thoại, chủ vườn ở Cần Thơ, cho biết chưa năm nào nông dân trồng sầu riêng "bội thu" như 2023. Giá loại trái cây này luôn ở mức cao trong chính vụ, có thời điểm lên tới 140.000 đồng một kg. Lần đầu trong hơn chục năm, ông thu lãi cả tỷ đồng nhờ bán sầu riêng.

Vườn sầu riêng ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam
Vườn sầu riêng ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Không riêng miền Tây, những người dân tại Tây Nguyên cũng thu lời lớn năm ngoái nhờ giá loại quả này liên tục lập đỉnh. Ông Cường, nhà vườn tại Đăk Lăk cho biết thu về 120 tỷ đồng sau khi thu hoạch 40 ha sầu riêng.

2023 là năm bội thu với các cây trồng nông sản chủ lực của tỉnh Đăk Lăk, theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đăk Lăk. Riêng với sầu riêng, nhờ giá tốt, tỉnh này thu khoảng 12.000 tỷ đồng sau thu hoạch 200.000 tấn.

Mặt hàng nông sản khác cũng đem lại doanh thu "khủng", giúp nông dân "đổi đời" năm ngoái là cà phê.

Thu hoạch 7 tấn cà phê nhân, chị Hoa ở Kon Tum cho biết, năm nay gia đình chị thu hơn 530 triệu đồng, với giá bán 76 triệu đồng một tấn - cao nhất từ trước đến nay. Sau khi trừ chi phí, chị lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Thoại, ông Cường hay chị Hoa không phải là những nông dân duy nhất có một năm "lãi chưa từng có" nhờ trồng nông sản.

"2023 là năm bức tranh xuất khẩu ngành nông nghiệp sáng sủa nhất", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận xét. Theo ông, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, khi kim ngạch nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD.

Trong đó, một số mặt hàng xuất kỷ lục, như rau quả tăng trên 70% và gạo hơn 36%. Xuất khẩu rau quả đem lại doanh thu hơn 5,6 tỷ USD, riêng sầu riêng, chuối, mít, nhãn, dưa hấu ghi nhận đà tăng gấp 1-4 lần so với cùng kỳ.

"Nông sản Việt bứt phá về kim ngạch xuất khẩu và giá, dù kinh tế trong nước và thế giới suy thoái", ông Nguyên nói. Nhu cầu lương thực tăng cao trên thế giới, cùng nhiều loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân - Trung Quốc, là lý do theo ông, giúp nông sản Việt tăng giá trị, chất lượng.

Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhiều loại nông sản Việt, với 11,5 tỷ USD năm ngoái, riêng sầu riêng là hơn 2 tỷ USD. Ngoài trái sầu, 13 loại nông sản khác được xuất chính ngạch sang thị trường này, như tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây.

Tương tự, gạo cũng là mặt hàng đem lại "mùa bội thu" cho người nông dân. Các năm trước, các nước như Indonesia, Chile, Ghana mua gạo Việt với số lượng nhỏ giọt, năm 2023 họ tăng mua vài lần tới vài chục lần. Indonesia từ vị trí thứ 8, thành quốc gia mua gạo Việt nhiều thứ hai, sau Philippines.

Người dân xã Hà Mòn (Kon Tum) thu hoạch cà phề niên vụ 2022-2023. Ảnh: Kiều Loan
Người dân xã Hà Mòn (Kon Tum) thu hoạch cà phề niên vụ 2022-2023. Ảnh: Kiều Loan

Dự báo năm 2024, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt. Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút, và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều dư địa như gạo, sầu riêng, cà phê...

Chẳng hạn, với sầu riêng, Trung Quốc vẫn thu mua với giá cao khi Việt Nam là nước duy nhất có hàng trái vụ. Còn gạo, đầu tháng này 7 doanh nghiệp đã trúng thầu cung ứng 300.000 tấn gạo, chiếm 60% lượng gạo Indonesia muốn mua trong đợt đầu năm 2024.

Tuy vậy, xuất khẩu nông sản cũng đặt ra nhiều bài toán cần nhà chức trách đưa ra lời giải. "Nông nghiệp hiện còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, nên chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp cần tham gia từ đầu cùng nông dân để họ có đủ thông tin, điều chỉnh sản xuất", Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét.

Bộ trưởng Hoan cũng cho rằng, tới nay, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích. Sắp tới bộ này sẽ đưa ra yêu cầu bắt buộc người nông dân phải tuân thủ. "Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn để không còn tình trạng phát triển nông nghiệp tự phát", ông Hoan nói.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.