Năm rồng trở lại "vương quốc rồng xanh"
Sau chuỗi ngày khó khăn, tình hình tiêu thụ trái thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã dần khởi sắc trở lại. Niềm tin của nông dân đối với cây thanh long dần được củng cố. Trong năm con rồng - 2024, vương quốc “rồng xanh” lại luôn sáng đèn, gửi gắm bao ước vọng về những vụ trúng mùa, được giá.
NIỀM VUI TRỞ LẠI
Trở lại huyện Chợ Gạo - “thủ phủ” thanh long của tỉnh Tiền Giang vào những ngày đầu năm, nhiều nhà vườn nơi đây đang tích cực xông đèn xử lý cho thanh long ra hoa nghịch vụ. Có những vườn đã kết thúc xông đèn, búp bắt đầu nhú lên từ những nhánh thanh long tua tủa. Với việc tình hình tiêu thụ thanh long khởi sắc trong năm 2023, nhiều nhà vườn rất kỳ vọng đợt xông đèn này thanh long sẽ bán được giá.
Lúc chúng tôi đến là thời điểm bà Nguyễn Thị Thủy (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) đang tích cực chăm sóc vườn thanh long gia đình. Theo bà Thủy, 4 công thanh long ruột đỏ của gia đình vừa xông đèn xử lý ra hoa nghịch vụ cách nay khoảng 10 ngày. Đây là vụ nghịch thứ 2, sau đợt này, thanh long sẽ được để ra hoa tự nhiên.
Bà Thủy cho biết, trước Tết Nguyên đán 2024, gia đình bà thu hoạch được gần 4 tấn thanh long, bán với giá 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, lợi nhuận thu được gần 40 triệu đồng, tiếp thêm động lực cho gia đình xử lý vụ nghịch tiếp theo trong đầu năm 2024. “Năm 2021 và 2022, thanh long giảm giá thê thảm nên gần như nhà vườn nào cũng lỗ. Năm vừa rồi, thanh long có giá trở lại nên ai cũng phấn khởi. Chỉ mong trong năm mới, thanh long tiếp tục giữ giá ở mức như năm rồi là nhà vườn mừng lắm” - bà Thủy chia sẻ.
Ông Tám Long chăm sóc vườn thanh long vừa xử lý ra hoa nghịch vụ. |
Gắn bó nhiều năm với cây thanh long, gia đình ông Tám Long (xã Song Bình, huyện Chợ Gạo) có cuộc sống ấm no cũng nhờ loại cây trồng này mang lại. Trong thời điểm khó khăn, nhiều nhà vườn đã phá bỏ thanh long để chuyển sang trồng dừa hoặc các loại cây trồng khác, nhưng gia đình ông Tám Long vẫn quyết tâm bám trụ với cây thanh long.
Theo ông Tám Long, trong năm 2023, giá thanh long tăng trở lợi nên gia đình thu lợi nhuận kha khá. Tuy nhiên, đợt cận tết vừa qua, hơn 4 công thanh long vụ nghịch của gia đình bán ngay đợt rớt giá. Vườn thanh long thu hoạch được gần 9 tấn, bán với giá 9.500 đồng/kg. Giá thấp, nhưng nhờ có năng suất nên ông Tám Long cũng lời hơn 30 triệu đồng.
Ông Tám Long tâm tình: “Nhà tôi vừa xông đèn lứa thanh long nghịch vụ tiếp theo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên thanh long ra hoa không đạt. Do đó, đợi nụ lớn chút nữa, tôi sẽ xông đèn tiếp tục. Dù giá thanh long hiện khởi sắc hơn thời điểm dịch bệnh, nhưng so với những năm trước dịch thì không bằng. Năm nay, tôi chỉ mong thanh long được mùa, giá cả ổn định”.
Những ngày qua, ông Huỳnh Châu Hoàng (ấp Bình Ninh, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) cũng đang tích cực chăm sóc 5 công thanh long ruột đỏ vừa xử lý nghịch vụ. Theo ông Hoàng, vào tháng 11 âm lịch năm 2023, ông bán được 5,4 tấn thanh long với giá 17.000 đồng/kg, thu lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng. Sau vụ mùa thắng lợi, gia đình ông tiếp tục xông đèn xử lý nghịch vụ. Hiện vườn thanh long đã ra hoa và hơn 1 tháng nữa có thể thu hoạch. Theo ông Hoàng, lứa thanh long nghịch vụ này, ước năng suất chỉ khoảng 500 kg/công. Do thời tiết không thuận lợi nên việc xử lý nghịch vụ ra trái không đạt.
“Hiện thanh long ruột đỏ tại vườn có giá khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg. Thanh long nằm giá 15.000 đồng/kg trở lên là nhà vườn có lời rồi; bởi chi phí đầu vào cho mỗi kg thanh long vụ nghịch ở mức 10.000 đồng/kg, chưa tính công nhà. Dù có rẻ, nhưng thu nhập từ cây thanh long cũng cao hơn trồng lúa. Thời điểm thanh long rớt giá thê thảm, một số người đốn bỏ thanh long để chuyển sang trồng dừa. Được một thời gian, thanh long tăng giá trở lại, người dân đốn dừa trồng lại thanh long. Nông dân chúng tôi chỉ mong giá thanh long ổn định, đó là mong muốn lớn nhất” - ông Hoàng cho biết.
ĐỂ CÂY THANH LONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Cùng với sầu riêng, thanh long là cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng gần 9.000 ha thanh long, sản lượng trên 260 ngàn tấn/năm. So với năm 2020, diện tích thanh long giảm hơn 750 ha. Theo nhiều nông dân, nếu tính về hiệu quả kinh tế thì cây thanh long chỉ đứng sau cây sầu riêng. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân trồng thanh long vẫn còn gặp phải tình trạng được mùa, mất giá.
Nông dân tích cực chăm sóc thanh long nghịch vụ. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để phát triển bền vững cây thanh long, trong thời gian tới, định hướng mà ngành Nông nghiệp đưa ra là tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết đầu ra để nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 7.900 ha thanh long cho thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha. Tỉnh phấn đấu có khoảng 3.600 ha thanh long đạt chuẩn VietGAP. Để đạt được những mục tiêu trên, giải pháp mà ngành Nông nghiệp đưa ra là tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, nâng chất lượng trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện thực hiện liên kết chuỗi giá trị với các công ty, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).
Một trong những giải pháp quan trọng mà ngành Nông nghiệp đưa ra là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ như: Đưa giống mới vào sản xuất, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước… Đồng thời, khuyến khích nông dân trồng thanh long theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Để sản xuất bền vững cây thanh long, việc tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ là hướng đi tất yếu hiện nay. Theo đó, ngành Nông nghiệp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở, kho, bãi thu mua, sơ chế, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong khâu chế biến sâu về thanh long. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ các trang trại, HTX, THT ký kết tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt là xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ trên sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các HTX, THT tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chính sách: Đầu tư kết cấu hạ tầng, cán bộ trẻ làm việc có thời hạn; đào tạo bồi dưỡng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho HTX, THT. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển thị trường; trong đó, chú trọng đầy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng thanh long phục vụ xuất khẩu chính ngạch đối với các thị trường xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024 có ít nhất 75% diện tích thanh long đang cho trái được cấp mã số vùng trồng.
T. ĐẠT