Nhiều hứa hẹn tích cực cho thị trường bất động sản năm 2024
Mặc dù thị trường bất động sản đang đối mặt với không ít khó khăn nhưng nhiều tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện. Với việc cơ sở pháp lý ngày càng được hoàn thiện và các cơ chế, chính sách tháo gỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, năm 2024 hứa hẹn thị trường bất động sản sẽ có những bước phát triển tích cực.
Quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn
Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và mới đây là Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là bước hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho thị trường bất động sản. Trong đó, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc trong giai đoạn đầu năm 2024. Ảnh: TUẤN ANH |
Cùng với đó, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt là các quy định mới về chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, chăm lo nhà ở cho người dân…
Đồng thời, Bộ đang tích cực xây dựng, hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn dự kiến trình Quốc hội XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước trình Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về các hình thức, nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở...
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), một trong những điểm mới là quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc công khai thông tin về bất động sản, dự án. Đồng thời, hoàn thiện chính sách xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản bảo đảm tính pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, khả thi.
Nguồn cung nhà ở sẽ được cải thiện cùng với việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: TUẤN ANH |
Tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn
Bộ Xây dựng cho biết, từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém, nhiều dự án triển khai dở dang. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2023, chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai, tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản tại các địa phương trên cả nước, chỉ đạo điều hành một cách linh hoạt về tín dụng... Nhờ đó thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ và có những chuyển biến tích cực.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất giải pháp với các cấp có thẩm quyền. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, Thông tư để cụ thể hóa các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật vào ngày 1-1-2025.
Một dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: TUẤN ANH |
Một trọng tâm khác là hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; qua đó gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, giúp cân bằng nguồn cung nhà ở giữa các phân khúc cho thị trường bất động sản.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản sẽ tiếp nhận và xử lý các kiến nghị do địa phương, doanh nghiệp, người dân gửi về. Trực tiếp làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã được rà soát, tháo gỡ nhưng chưa có kết quả, tiếp tục rà soát khó khăn của các dự án khác, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục để sớm triển khai các dự án mới.
Giải pháp không kém quan trọng là khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó, cần linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp.
Theo qdnd.vn