.

Những cung đường mở cơ hội thu hút đầu tư

Cập nhật: 20:41, 22/02/2024 (GMT+7)

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025, cả nước có ít nhất 3.000 km đường cao tốc. Dù mục tiêu đầy thách thức, nhưng chỉ sau nửa nhiệm kỳ, tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đã đạt 1.892 km (60% kế hoạch). Những cung đường mới cũng mở ra tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư cho nhiều vùng đất trên mọi miền đất nước.

Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Đường cao tốc phải làm tới Đất Mũi

Người dân Quảng Ninh có lẽ sẽ không thể quên ngày 1/9/2018 - ngày tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe. Thay vì từ Hà Nội đi Hạ Long mất 3-4 giờ đồng hồ trên quốc lộ 18 thì nay chỉ còn 1,5 giờ, từ Hạ Long tới Hải Phòng đã giảm hai phần ba quãng đường, xuống còn 25 km nhờ vào đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Cảnh ô-tô chen chúc, nhiều khi tắc nghẽn trên con đường đến với thành phố du lịch Hạ Long đã không còn, thay vào đó là đại lộ thênh thang, phẳng lỳ, vun vút xe qua lại.

Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng không chỉ phát huy mạnh mẽ giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mà quan trọng hơn, còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực.

Tiếp đó, dự án đường cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái được triển khai, trở thành “mảnh ghép” cuối cùng tuyến đường cao tốc xương sống của tỉnh Quảng Ninh. Viễn cảnh ăn sáng ở Hà Nội, trưa lang thang ngắm biển Trà Cổ, chiều mua sắm ở cửa khẩu Móng Cái, tối ngủ ở Hạ Long đã trở nên rất gần. Tuyến đường cao tốc hình thành, Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay với 200 km (1/10 số km đường cao tốc của cả nước), mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.

Chỉ trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông đã tạo ra sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Riêng năm 2023, đã có 9 dự án đường cao tốc mới hoàn thành gồm Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2 và Tuyên Quang - Phú Thọ. Với số dự án này, cả nước đã có thêm 475 km đường cao tốc, tức là cứ một ngày trong năm 2023 chúng ta xây xong được 1,3 km đường cao tốc.

Trong buổi đi thăm và khảo sát dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị tiếp tục triển khai xây dựng đường cao tốc bắc - nam tới tận Đất Mũi thay vì đến TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay. Điều này thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc mở ra những cung đường, những vận hội mới cho các địa phương.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 106/2023/QH15 được thông qua đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhờ những chính sách đặc thù. Các chủ trương, cơ chế, chính sách mới được Đảng, Nhà nước thông qua đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội.

Một đoạn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Ảnh: BÁO GIAO THÔNG
Một đoạn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Ảnh: BÁO GIAO THÔNG

Cơ sở hạ tầng - điểm nhấn thu hút đầu tư

Với tỉnh nghèo như Hà Tĩnh thì việc triển khai các dự án thành phần thuộc đường cao tốc bắc - nam phía đông có ý nghĩa rất lớn. Địa phương xác định đây là công trình trọng điểm huyết mạch giao thông quốc gia, những lợi ích từ công trình mang lại là rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và rút ngắn thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho người dân.

Vì thế, từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua tỉnh, cả hệ thống chính trị của Hà Tĩnh đã vào cuộc. Hà Tĩnh là một trong những địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sớm nhất cho dự án. Nhờ đó, chủ đầu tư và các nhà thầu đều cam kết rút ngắn tiến độ, về đích trước sáu tháng so với hợp đồng.

Ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, chúng tôi xác định đây là việc phải làm và phải cố gắng. Mấu chốt nhất là phải thực hiện thứ tự ưu tiên, đó là tái định cư, giải phóng mặt bằng và cấp mỏ vật liệu cho dự án. Đặc biệt, ngay khi đường cao tốc khởi công thì hiệu ứng thu hút đầu tư trở nên rõ rệt. Theo ông Lê Trung Phước, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng có hơn 16,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư. Khi có đường cao tốc, lợi thế và tiềm năng mới của địa phương sẽ ngày càng rõ rệt và các nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư nhanh hơn.

Cùng quan điểm này, ông Hoàng Trọng Bính, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 khẳng định: “Tôi có niềm tin rằng, khi có đường cao tốc sẽ tạo đột phá quan trọng liên quan đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước, họ sẽ nâng cao được hiệu quả đầu tư với điều kiện cơ sở hạ tầng tốt”.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) luôn xem cơ sở hạ tầng là một nhân tố quan trọng trong nhóm các chỉ số phản ánh các yêu cầu căn bản của một nền kinh tế. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các đánh giá và báo cáo xếp hạng GCI không được công bố chi tiết như các năm trước đây.

Nếu xem xét mức độ cạnh tranh về cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019, hầu như không có nhiều tiến bộ với mức điểm trên 65 và xếp hạng lần lượt ở vị trí thứ 75/140 và 77/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, những nỗ lực trong cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Việt Nam đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong mắt các nhà đầu tư.

Ông John Rockhold, người đã sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1992, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị AmCham Hà Nội cho rằng, diện mạo cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã thay đổi rất nhanh trong gần hơn hai thập kỷ qua. Hạ tầng giao thông kết nối là một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến chi phí logistics, quyết định hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ở đâu có giao thông thuận lợi, ở đó sẽ là cực tăng trưởng. “Việt Nam đang làm rất tốt việc hoàn thiện bộ mặt giao thông trên cả nước. Tôi hy vọng đây sẽ là điểm cạnh tranh trong thu hút đầu tư của nhiều địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung đồng thời mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp”, ông John Rockhold cho biết.

Còn theo ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, trong thời gian qua, trục đường huyết mạch bắc - nam đã hoàn thành rất nhiều dự án thành phần, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương. Trước đây, khó có thể nghĩ di chuyển từ Hà Nội tới Nghệ An trong một ngày, nhưng giờ đi đã rất nhanh. “Sự kết nối giao thông tốt hơn nhiều đã thúc đẩy các dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp với hàng chục ha. Việc kết nối các địa phương, hay kết nối giữa các đô thị lớn, cảng biển đang thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí, đây cũng sẽ là động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương đa dạng hơn”, ông Nakajima Takeo nhận định.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.