Chủ Nhật, 18/02/2024, 11:09 (GMT+7)
.

Tiền Giang chủ động phòng, chống hạn, mặn vụ Đông Xuân

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, những ngày qua, độ mặn 0,7g/l đã xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 50km. Trên sông Tiền và sông Hàm Luông, độ mặn tại hầu hết các trạm có xu thế tiếp tục tăng vào những ngày đầu tuần theo chu kỳ triều cường đầu tháng giêng. Tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động cao nhất để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang là khu vực chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn. Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh Tiền Giang xuống giống với diện tích 44.760 hecta lúa. Trong đó, huyện Gò Công Tây xuống giống hơn 7.000 hecta lúa. Theo ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Hiện nguồn nước tại các kênh, rạch nội đồng vẫn dồi dào, đảm bảo an toàn trước nguy cơ hạn, mặn.

b

Dự kiến cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2024, cống Xuân Hòa sẽ chính thức đóng ngăn mặn.

Còn tại thị xã Gò Công, vụ Đông Xuân 2023-2024, địa phương xuống giống hơn 4.000 hecta lúa. Nguồn nước tại các kênh, rạch nội đồng đảm bảo cho hoạt động tưới tiêu. Ông Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công cho biết, nếu tình trạng thiếu nước xảy ra sẽ tổ chức bơm chuyền, quyết tâm không để thiếu nước sản xuất.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang, mực nước tại các kênh, rạch nội đồng trong vùng Ngọt hóa Gò Công rất dồi dào, cống Xuân Hòa vẫn còn lấy nước ổn định. Dự kiến cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, cống Xuân Hòa sẽ chính thức đóng ngăn mặn. Theo thống kê, diện tích lúa Đông Xuân của vùng Ngọt hóa Gò Công năm nay khoảng 20.600 hecta lúa. Với tình hình nguồn nước hiện nay, các diện tích lúa Đông Xuân vùng Ngọt hóa Gò Công được đảm bảo an toàn.

Còn tại các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang là vùng chuyên canh cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo việc thực hiện rải vụ khoảng 4.750 hecta và thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, ứng phó với hạn, mặn.

Theo dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ tương đương mùa khô 2020-2021, đỉnh mặn sẽ xuất hiện trong tháng 3/2024. Với quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái trong mùa hạn, mặn, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1. Đây cũng là giải pháp căn cơ và lâu dài mà tỉnh đang thực hiện.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), trong mùa khô 2023 - 2024, nếu mặn xâm nhập sâu từ sông Tiền, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạm dừng thi công và cho đóng hệ thống cừ lasen để ngăn mặn, trữ ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang, Long An.

Trong trường hợp khi độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Tiền Giang), cách sông Tiền 9km từ 1,5-2,0 g/l và có xu thế tiếp tục tăng, tỉnh Tiền Giang sẽ đắp 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài, Phú An. Cùng với đó là tổ chức vận hành các giếng khoan dự phòng để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt. Theo Sở NN&PTNT, ngoài những giải pháp trên, để bảo vệ vườn cây ăn trái, tỉnh tổ chức 8 điểm bơm chuyền để bổ cấp nguồn nước cho các khu vực của các xã: Song Thuận, Long Hưng, Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Đông Hòa (huyện Châu Thành) bị thiếu nước khi các cống, đập đóng ngăn mặn từ phía sông Tiền.

Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, hệ thống cống ngăn mặn do tỉnh đầu tư đã khép kín đến địa bàn xã Tam Bình. Các cửa sông còn lại gồm: Trà Tân, Ba Rài và Phú An, mặn xâm nhập đến khu vực này thì sẽ tiến hành đóng các đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt. Tỉnh Tiền Giang cũng đã đầu tư 14 giếng khoan cho 2 cù lao Tân Phong và Ngũ Hiệp để bơm bổ cấp nước ngọt phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập.

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.