Xuất nhập khẩu có tín hiệu khởi sắc, thu ngân sách tăng 13,24%
Theo Tổng cục Hải quan, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tháng 1/2024 đạt 30.648 tỷ đồng, bằng 8,17% dự toán, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra kết quả soi phương tiện làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN |
Với sự tăng trưởng của kim ngạch XNK đã giúp tổng thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 1/2024 đạt 30.648 tỷ đồng, bằng 8,17% dự toán, giảm 6,88% so với tháng 12/2023 và tăng 13,24% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đạt 65,4 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 46% và trị giá nhập khẩu đạt 30,9 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2023.
“Xuất nhập khẩu hàng Việt tháng 1/2024 tăng trưởng gần 38% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu khởi sắc tích cực. Tuy nhiên, không thể chủ quan bởi năm 2024 nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn chưa có dấu hiệu cải thiện”, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo Cục Thuế XNK, kinh tế Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu sau thời gian bị kìm hãm đã phục hồi khi nhu cầu thị trường thế giới tăng trở lại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký.
Tổng kim ngạch XNK của Việt Nam tháng 1/2024 tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch XNK chịu thuế tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 17,5% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, số thu tháng 1/2024 lại giảm 6,88% so với tháng 12/2023 là do kim ngạch XNK chịu thuế tháng 1/2024 giảm 1,1% so với tháng trước, trong đó kim ngạch NK chịu thuế giảm 1,4%. Đặc biệt, một số mặt hàng có kim ngạch NK giảm so với tháng trước như: Nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 98,5%, làm giảm thu 411 tỷ đồng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 20,1%, làm giảm thu 205 tỷ đồng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 5,2%, làm giảm thu 203 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc giảm 15,6%, làm giảm thu 176 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 9,1%, làm giảm thu 141 tỷ đồng.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, xuất nhập khẩu tháng 1/2024 tăng gần 38% là kết quả của sự nỗ lực từ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đơn hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.
Sau hơn 1 năm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã nỗ lực, thích ứng và tìm kiếm các đơn hàng từ các thị trường truyền thống, các thị trường mới và các thị trường đã ký kết các FTA (hiệp định thương mại) với Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp có các đơn hàng xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, trong tháng 1/2024, đơn hàng xuất khẩu nhóm điện thoại, máy tính đã có sự cải thiện.
“Đơn hàng xuất khẩu quay trở lại là điều rất đáng mừng. Nhưng hầu hết các đơn hàng xuất khẩu mới chỉ là ngắn hạn, dài nhất cũng chỉ đến tháng 6/2024. Tuy nhiên, trong câu chuyện xuất khẩu cả năm 2024, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi và thích ứng và cố gắng”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm… của các thị trường nhập khẩu.
Theo TTXVN