Thứ Tư, 20/03/2024, 09:56 (GMT+7)
.
"CĂNG MÌNH" CHỐNG HẠN, MẶN

Bài 3: Tìm lời giải cho "bài toán" nước sinh hoạt

BÀI 1: Miền Tây "khát" nước ngọt

BÀI 2: Nhiều "kịch bản" bảo vệ sản xuất

Nước ngọt cung cấp cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm đảm bảo sinh hoạt và sinh kế mỗi khi hạn, mặn đến luôn là “bài toán” khó giải.

Biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều hệ lụy là diễn biến bất thường của thời tiết; đỉnh điểm là câu chuyện của hạn, mặn ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp đến gần như toàn khu vực ĐBSCL, nên nỗi lo về nước sinh hoạt cứ thế tiếp diễn.

ĐẾN HẸN LẠI LO

Những ngày qua, ĐBSCL phải “gồng mình” ứng phó với cái nắng chói chang của mùa khô năm 2024. Nhiều tỉnh, thành phải tập trung thực hiện nhiều phương án để ứng phó, nhất là đối với việc cung ứng nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân. Điển hình như, tình trạng xâm nhập mặn gay gắt đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân tỉnh Bến Tre.

Nhiều năm qua, Tiền Giang tập trung cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía Đông của tỉnh mỗi khi mùa khô đến.
Nhiều năm qua, Tiền Giang tập trung cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía Đông của tỉnh mỗi khi mùa khô đến.

Nhiều hộ dân phải sử dụng nước sinh hoạt nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép. Do nguồn nước máy nhiễm mặn nên những ngày qua, việc nấu ăn của gia đình anh Nguyễn Thanh Mộng (xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) chủ yếu sử dụng 3 khối nước ngọt trữ trong bể chứa bên hiên nhà. “Số nước ngọt trữ có thể cầm cự được khoảng 3 tháng. Nếu mặn kéo dài hơn gia đình anh chắc phải đi xin nước từ các điểm cấp nước của xã” - anh Mộng cho biết.

Cũng tại tỉnh Bến Tre, nhiều hộ dân tại huyện Bình Đại cũng đang phải sử dụng nước sinh hoạt nhiễm mặn. Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) chia sẻ: “Ở đây, người dân không có nước máy nên sử dụng nước sông. Dù nước bị nhiễm mặn, nhưng người dân cũng chấp nhận sử dụng để tắm giặt. Nước nấu ăn thì mua với giá 7.000 đồng/bình”.

Còn tại các xã ven biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre do các giếng khoan bị nhiễm mặn nên nhiều hộ dân phải mua nước ngọt qua xử lý để sử dụng. Có nhà cách bờ biển hơn 20 km, bà Nguyễn Thị Sáu (xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú) cho biết: “Nước do nhà máy cung cấp bị nhiễm mặn nên gia đình tôi mua nước ngọt qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3 để nấu ăn, tắm rửa”.

Cùng chung tình cảnh vào mùa hạn, mặn năm nay, vào những ngày này không khó để bắt gặp những chiếc ghe cỡ lớn chở nước ngọt chạy dọc theo các tuyến kinh ở các xã Biển Bạch, Tân Bằng (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) để bán nước sạch cho người dân có nhu cầu.

Một người dân tại đây cho biết: “Cái gì có thể tiết kiệm được, riêng nước sạch để dùng trong sinh hoạt thì không thể tiết kiệm. Nước sạch ở đây giờ quý lắm, khi tắm xong bà con còn phải tận dụng lại nguồn nước đó để giặt giũ hay dùng vào việc khác”.

Ghi nhận thực tế cho thấy, giá nước sạch được các ghe cung cấp tận nhà cho người dân dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/m3. Chị Nguyễn Thị Cẩm (chủ ghe cung cấp nước ngọt) cho biết: “Mỗi ngày, vợ chồng tôi mua nước sạch từ nơi khác cho xuống ghe rồi chạy đến các vùng nông thôn để cung cấp cho bà con. Có ngày, vợ chồng tôi chở đi bán đến 4 lần”.

Không chịu nổi cảnh phải mua từng mét khối nước ngọt, nhiều hộ dân tại đây đã bỏ ra khoảng vài chục triệu đồng thuê khoan giếng. Tuy nhiên, các giếng này dù được khoan ở độ sâu bao nhiêu cũng không thể tìm được nguồn nước ngọt. Do đó, nhiều năm nay, một số hộ dân ở đây đành chấp nhận sống trong cảnh “khát” nước sạch vào mùa khô. Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Trần Văn Tuấn cho biết, xã có 1.847 hộ dân, nhưng đến thời điểm này có tới hơn 450 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Còn theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Cà Mau Lê Công Nguyên, theo thống kê, hiện nay có hơn 3.000 hộ dân trên toàn tỉnh đang thiếu nước sạch.

CHUNG SỨC VƯỢT KHÓ

Trước tình hình hiện nay, các cơ quan có liên quan đang nỗ lực cung cấp nước ngọt để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500 m3/giờ (khoảng 250.000 m³/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý.

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024, UBND tỉnh Bến Tre và các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.

Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn; đồng thời, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý.

Một trong những giải pháp căn cơ là vận hành linh hoạt các phương án cấp nước như: Đắp đập tạm ngăn mặn tại các khu vực lấy nước; chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao; vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt/độ mặn thấp theo khung giờ...

Còn đối với tỉnh Sóc Trăng, địa phương cũng gặp khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt mùa khô. Theo Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, đơn vị đang quản lý và khai thác 24 nhà máy/trạm cấp nước với tổng công suất được cấp phép là 97.770 m3/ngày đêm.

Công suất cấp nước vào mạng lưới của công ty khoảng 70.000 m3/ngày đêm và nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm chiếm khoảng 89%, nước mặt chiếm 11%. Doanh nghiệp hiện có 64 giếng (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch cho gần 100.000 hộ dân.

Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cho biết, từ ngày 8-2, nước mặn đã xâm nhập khu vực nhà máy khai thác nước mặt của công ty, với độ mặn tăng dần. Hiện độ mặn dao động từ 630 - 660 mg/lít, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khai thác nước mặt chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc mặn xâm nhập; đồng thời, cũng gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

Để giải “bài toán” nước sinh hoạt mùa khô, Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng về việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt với công suất 200.000 m3/ngày đêm. Địa điểm được đề xuất là khu đất rừng thuộc phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành) với tổng diện tích 110 ha.

Nằm trong bức tranh chung của ĐBSCL, để ứng phó với tình hình hạn, mặn, tỉnh Tiền Giang đã chủ động đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) kịp thời đóng cống âu Nguyễn Tấn Thành để ngăn mặn, trữ ngọt. Ngoài việc bảo vệ sản xuất, điều này sẽ giúp tỉnh đảm bảo nguồn nước thô phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho khoảng 800 ngàn dân tại TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh.

Bên cạnh đó, những ngày qua, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cũng đang nỗ lực cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các huyện phía Đông. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2024 có xu hướng kéo dài, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang thực hiện đúng theo Phương án Phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 của UBND tỉnh Tiền Giang.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, dự báo trong những ngày cao điểm mùa khô, nhu cầu dùng nước sẽ tăng đột biến. Nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm sẽ cấp hết công suất, nước trong các ao cạn kiệt.

Khi đó, công ty sẽ triển khai nhiều biện pháp để huy động tối đa nguồn nước cung cấp, kết hợp chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích. Một trong những giải pháp quan trọng là mở các vòi nước công cộng, dùng xe bồn chở nước đến các vùng sâu… nhằm đảm bảo mọi người dân đều có nước sử dụng.

Hiện những khu vực nguồn nước sinh hoạt yếu đã được các địa phương đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang mở các vòi nước công cộng để người dân đến lấy sử dụng miễn phí. Cụ thể, đến nay, trên địa bàn các huyện phía Đông đã mở được 40 vòi nước công cộng.

Về lâu dài, theo Kế hoạch cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025 của UBND tỉnh vừa ban hành, công ty sẽ triển khai xây dựng mở rộng nâng công suất một số trạm xử lý nước mặt như: Nhà máy nước mặt công suất 20.000 m3/ngày đêm tại huyện Gò Công Tây, Nhà máy nước mặt công suất 2.000 m3/ngày đêm tại huyện Tân Phú Đông, Trạm bơm tăng áp Gò Công.

Một trong những công việc quan trọng là xây dựng mới các tuyến ống chuyển tải nước sạch dọc theo quốc lộ, đường tỉnh, huyện để đảm bảo phân phối nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm đến toàn khu vực và cấp nước cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang sẽ triển khai đấu nối, phát triển thêm tuyến ống mới cấp nước cho các khu vực vùng lõm chưa có nước nhằm khai thác phát huy hiệu quả của Dự án “Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công”…

“Bài toán” về nước sinh hoạt phục vụ người dân trong khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng mỗi khi mùa khô đến sẽ chưa dừng lại; bởi tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn luôn được dự báo là ngày càng gay gắt, biến đổi khó lường hơn. Thực tế đã và đang đặt ra cho các tỉnh, thành ĐBSCL là việc triển khai đồng bộ các giải pháp tối ưu nhất để ứng phó hiệu quả với những biến đổi khó lường của thời tiết.

NHÓM PVKT

(Còn tiếp)

.
.
.