Thứ Sáu, 22/03/2024, 09:37 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TIỀN GIANG

Mở ra chương mới cho Tiền Giang

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1762 ngày 31-12-2023. Đây là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa các lợi thế đặc biệt, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh Tiền Giang, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

ĐỊNH HƯỚNG "BA TÂM, MỘT DẢI, BỐN HÀNH LANG"

Trong chặng đường sắp tới, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu xây dựng Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Tiền Giang sẽ là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

 Một dải ven sông Tiền quy hoạch mới thành một trục đô thị ven sông.
Một dải ven sông Tiền quy hoạch mới thành một trục đô thị ven sông.

Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tựu trung lại, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra một đường hướng mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của các tỉnh, thành của cả nước.

Một trong những điểm nhấn quan trọng được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang là xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của Tiền Giang gồm: Ba tâm, một dải, bốn hành lang kinh tế. Cụ thể, ba tâm chính là: Trung tâm đô thị chính, gồm: TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo.

Đây là trung tâm hành chính, kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị lịch sử, điều phối chế biến nông sản phục vụ cho tỉnh và vùng, trong nhóm đô thị vệ tinh cửa ngõ vùng TP. Hồ Chí Minh; trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông trên toàn bộ vùng Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông, sẽ tập trung phát triển đô thị biển, nghỉ dưỡng, du lịch, công nghệ số, với trung tâm là đô thị Gò Công Đông; vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước, do có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị thành hệ sinh thái đô thị - công nghiệp.

Để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá.

Theo đó, Tiền Giang cũng đặt ra 3 khâu đột phá phát triển của tỉnh, cụ thể là: Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm gồm: Vùng kinh tế biển Gò Công, vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang kinh tế dọc sông Tiền; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Tiền Giang cũng xác định phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh; phát triển dịch vụ dựa trên các lĩnh vực chính: Du lịch, thương mại, logistics, trong đó phát triển mạnh du lịch.

Đồng thời, Tiền Giang đẩy mạnh liên kết với TP. Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh; tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, trở thành lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Song song đó, một dải ven sông Tiền quy hoạch mới thành một trục đô thị ven sông, gồm nhiều điểm đô thị nhỏ, chủ yếu phát triển du lịch; tạo kết nối với các cù lao sông và giao thông đối ngoại để tăng sức hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, bốn hành lang kinh tế: Phát triển các hành lang kinh tế theo các trục giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh, cụ thể: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hướng đến phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics của tỉnh và vùng ĐBSCL; hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 50B (quy hoạch) nhằm hướng đến phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch và đô thị; hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và  Quốc lộ 50 sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như cảng, năng lượng, logistics, du lịch, đô thị và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL, tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch.

Dựa trên định hướng phát triển ba tâm, một dải, bốn hành lang kinh tế, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

ƯU TIÊN KINH TẾ BIỂN

Thực tiễn cũng cho thấy, kinh tế biển là một trong những chiến lược quốc gia, với 4 lĩnh vực chính là: Hàng hải bao gồm cả hải cảng, logistics sau cảng và các khu công nghiệp hậu cảng, đóng tàu; nghề cá bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; đô thị và du lịch biển và các lĩnh vực khai thác năng lượng liên quan đến biển như thủy triều, gió…

Với điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, khu vực Gò Công có thể phát triển cả 4 lĩnh vực, nhưng lĩnh vực đô thị du lịch biển được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất. Ngoài dải bờ biển, hai cửa sông lớn hai bên cũng tạo ra một thế mạnh đặc thù của Tiền Giang nói chung, khu vực ven biển Gò Công nói riêng. Chưa kể, trong tương lai, việc nâng cấp Quốc lộ 50 và tuyến đường ven biển mới, kết nối từ TP. Hồ Chí Minh qua Long An - Tiền Giang - Bến Tre sẽ làm thay đổi hoàn toàn vai trò của khu vực Gò Công, nhất là Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông.

Khu vực ven biển của Tiền Giang sẽ được ưu tiên phát triển.
Khu vực ven biển của Tiền Giang sẽ được ưu tiên phát triển.

Bên cạnh đó, việc phục hồi diện tích đất ven biển trước đây bị biển lấn tạo ra một quỹ đất hàng chục ngàn ha, cũng mở ra một tiềm năng rất lớn cho việc phát triển đô thị và du lịch biển. Ngoài ra, việc phát triển những cụm kinh tế biển xa xoay quanh cụm ngành năng lượng gió cũng là lĩnh vực kinh tế biển chiến lược thứ hai.

Theo UBND tỉnh, các định hướng và dự án liên quan đến kinh tế biển của Tiền Giang trong chặng đường tới được xác định cụ thể như phát triển kinh tế biển khu vực phía Đông của tỉnh gắn với phát triển công nghiệp, cảng, trung tâm logistics: Cảng Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp với công suất 1.000 T/năm; cảng ngoại quan và thương mại dầu khí Nam Sông Hậu trên sông Soài Rạp với công suất 1.000 T/năm; cảng khách sông Soài Rạp với dự kiến cỡ tàu lớn nhất là 250 ghế và công suất dự kiến với số lượng hành khách 1.200/năm; đồng thời, phát triển năng lượng sạch, dự trữ xăng dầu như khu vực điện gió Tân Thành, với quy mô công suất dự kiến 100 MW, Nhà máy sản xuất hydrogen với quy mô công suất dự kiến 400 MW, Nhà máy chế biến Condensate Nam Sông Hậu với quy mô công suất 500.000 tấn/năm; mở rộng kho xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước, với quy mô công suất 205.000 m3; xây dựng mới tổng kho xăng dầu Soài Rạp với công suất dự kiến 520.000 m3.

Bên cạnh đó, khu vực phía Đông của Tiền Giang còn được tập trung phát triển du lịch biển, nhờ có tài nguyên du lịch phong phú, có cảnh quan bãi biển, hệ thống rừng ngập mặn ven biển và các cửa sông; cảnh quan ven sông; tập trung nhiều tài nguyên di tích lịch sử, lăng mộ, nhân vật lịch sử, văn hóa - nghệ thuật; vùng này nằm rất gần với vùng du lịch Bà Rịa nhưng có cảnh quan tự nhiên rất khác có thể liên kết trong một số hoạt động.

Vùng cũng liền kề với vùng sinh thái Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), nên có khả năng tăng cường việc kết nối để phát triển du lịch, hình thành tuyến du lịch sẽ tạo ra đột phá mới cho các hoạt động du lịch sinh thái của vùng kinh tế biển Gò Công.

Ngoài ra, Tiền Giang còn chú trọng phát triển du lịch biển (vùng sinh thái ngập mặn) Gò Công Đông, tham quan cảnh quan sông Tiền tại Cửa Đại, Cửa Tiểu, sông Vàm Cỏ; du lịch văn hóa lịch sử; khôi phục lại diện tích đất do biển xâm lấn khoảng 10.500 ha để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với sinh thái rừng ngập mặn ven biển nhằm nâng tầm du lịch của Tiền Giang đến sau năm 2030 và bảo vệ môi trường sinh thái; đầu tư phát triển vùng đô thị du lịch sinh thái cao cấp ở khu vực giáp sông Tiền, giáp với biển.

A.P

.
.
.