Dòng tiền giải ngân vào chứng khoán lập kỷ lục
Đây là tuần giao dịch có thanh khoản ở mức kỷ lục, trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên. Điều này thể hiện mức độ xoay vòng của dòng tiền nhanh, mạnh trong thị trường nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn.
Tuần qua, dòng tiền vào thị trường chứng khóa lập đỉnh. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN |
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch (từ 18 - 22/3) tích cực khi chỉ số VN- Index chinh phục thành công mức đỉnh cao mới trong năm 2024. Giới phân tích cho rằng, tâm lý e ngại của nhà đầu tư được cởi bỏ khi tin xấu được hấp thụ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hé lộ cụ thể hơn về định hướng chính sách trong giai đoạn tới. Do đó, nhà đầu tư chứng khoán liên tục giải ngân khi thị trường được cho là có nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn.
*Thanh khoản cao kỷ lục
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong tuần qua (từ 18 - 22/3) thanh khoản trên HOSE đạt 151.877,51 tỷ đồng, tăng mạnh 20,4% so với tuần trước. Đây là tuần giao dịch có thanh khoản ở mức kỷ lục, khi trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên. Điều này thể hiện mức độ xoay vòng của dòng tiền nhanh, mạnh trong thị trường với nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn.
Chuyên gia từ SHS cho biết, thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận nhiều thông tin quan trọng trong tuần như: Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% -5,5%, dự kiến 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay; Ngân hàng trung ương Anh quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25%; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007, chấm dứt chính sách lãi suất âm duy nhất trên thế giới; Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ quyết định giảm lãi suất. Đây là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới giảm lãi suất sau 9 năm.
Đáng chú ý, tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến các thành viên về quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền.
Nếu được thông qua và triển khai trong thời gian tới, quy định này sẽ tháo gỡ 1 trong 2 nút thắt trong tiến trình nâng hạng thị trường theo quy định của tổ chức xếp hạng FTSE là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room). Cùng với việc HOSE chạy thử nghiệm hệ thống KRX vừa qua, có thể thấy các cơ quan quản lý đang rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nhằm nâng hạng thị trường trong năm 2025 như mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Thị trường đã có tuần giao dịch tích cực trước những thông tin trên, mặc dù trải qua phiên đầu tuần biến động rất mạnh khi giảm mạnh gần 50 điểm trong phiên từ vùng giá 1.270 điểm về 1.220 điểm, sau đó phục hồi trở lại vùng 1.240 điểm với thanh khoản ở mức kỷ lục gần 48.000 tỷ đồng.
VN-Index ở những phiên giao dịch còn lại phục hồi tăng giá mạnh mẽ, vượt lên vùng đỉnh năm 2023 (tương ứng 1.245 -1.255 điểm) và vượt lên vùng đỉnh giá cao nhất 2 tuần trước quanh 1.275 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch dịch từ 18 - 22/3, VN-Index tăng 1,43% lên 1.281,8 điểm và bắt đầu tiệm cận vùng giá quanh 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 8/2022. HNX-Index kết thúc tuần ở mức 241,58 điểm tăng 0,89% so với tuần trước đó.
Trái ngược với nhà đầu tư trong nước, khối ngoại có tuần bán ròng lớn nhất từ đầu năm 2024, lũy kế trên cả 3 sàn giao dịch, khối ngoại đã bán ròng 3.109 tỷ đồng. Tâm điểm bán ròng tuần 18/3-22/3 là nhóm quỹ chỉ số FUEVFVND (1539 tỷ đồng), VNM (660 tỷ đồng), VHM (486 tỷ đồng)...
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực dẫn dắt thị trường phục hồi sau phiên giảm mạnh, vượt lên vùng đỉnh năm 2023, hướng đến vùng đỉnh tháng 8 và tháng 9/2022, nổi bật với TCB tăng 8,45%, VIB tăng 7,56%, MBB tăng 5,25%, BID tăng 3,83%...
Trong khi các mã dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa với sắc xanh đỏ đan xen. Ở chiều giảm giá có VFS giảm 6,64%, IVS giảm 6,47%, FTS giảm 3,75%, VIX giảm 3,12%... Ở chiều ngược lại, vẫn có những mã vẫn thu hút dòng tiền ngắn hạn, thanh khoản gia tăng mạnh với CSI tăng 4,91%, SHS tăng 4,71%, VND tăng 3,18%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là động lực chính trong tuần qua khi nhiều mã tăng giá manh, vượt vùng giá đỉnh gần nhất, thanh khoản tăng đột biến, nổi bật với HPX tăng 37,18%, DIG tăng g12,11%, PDR tăng 12,1%, TCH tăng 12,03%, DXG tăngCác cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su tăng, giảm đan xen. Ngoài D2D tăng 17,5%, KBC tăng 6,25%, PHR tăng 4,4%..., đa số các mã cổ phiếu còn lại chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh như DTD giảm 5,48%, TIP giảm 4,63%, GVR giảm 3,90%, SZC giảm 3,78%...
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), Fed giữ nguyên lcuộc họp chính sách tháng 3 (phù hợp kỳ vọng thị trường) và cho biết “lãi suất chính sách có thể đã đạt mức cao nhất cho chu kỳ này”.
Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cho năm 2024 lên mức 2,1% từ mức dự báo trước đó là 1,4% hồi tháng 12 năm ngoái. Quan trọng hơn, biểu đồ dot-plot (biểu đồ ghi lại dự đoán của mỗi quan chức Fed về lãi suất ngắn hạn) cho thấy Fed đang nghiêng về kịch bản hạ lãi suất 3 lần trong năm 2024.
“Điều này phù hợp với kỳ vọng của thị trường do đó đã phần nào cởi bỏ tâm lý “e ngại” cho các nhà đầu tư” chuyên gia từ VNDIRECT lý giải
Theo VNDIRECT, với những diễn biến này, chỉ số VN-Index có thể duy trì quán tính đi lên trong tuần tới và hướng tới vùng kháng cự tâm lý quanh 1.300 điểm (+/-10 điểm).
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, VN-Index đã đảo chiều tăng điểm nhanh trong 3 phiên cuối tuần kèm theo sự cải thiện của thanh khoản. Đáng chú ý khi khối lượng khớp lệnh trong 2 phiên tăng cuối tuần đều vượt mức 1,1 tỷ đơn vị, thuộc nhóm những phiên có thanh khoản cao nhất từ trước đến nay, cho thấy lực mua giá cao đang tích cực.
Về mặt kỹ thuật 1.285 - 1.310 điểm sẽ là vùng chịu áp lực chốt lãi mạnh, với động lực lớn từ khối lượng giao dịch, trong ngắn hạn diễn biến giằng co có thể sẽ xuất hiện, Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh cao mới năm 2024 trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới diễn biến rất tích cực.
* “Làn sóng xanh” trên thị trường chứng khoán Mỹ
Chỉ số S&P 500 tại thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 22/3, nhưng chỉ số này đã ghi nhận mức tăng trong cả tuần (khi tính theo phần trăm) lớn nhất trong năm 2024, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên dự đoán sẽ có ba đợt hạ lãi suất trong năm nay.
Tại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 305,47 điểm, hay 0,77%, xuống 39.475,90 điểm; chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 7,35 điểm, hay 0,14%, xuống 5.234,18 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 26,98 điểm, hay 0,16%, lên 16.428,82 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 2,3%, mức tăng phần trăm cao nhất kể từ giữa tháng 12/2023. Chỉ số Dow Jones tăng 2% trong tuần qua, cũng là mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2023, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 2,9%, mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 1/2024.
"Làn sóng xanh" trên thị trường chứng khóa Mỹ. Ảnh minh họa : THX/TTXVN |
Theo số liệu của Dow Jones Market, thị trường tài chính đã chứng kiến “một làn sóng xanh” cao kỷ lục, trong đó nhiều mã lập đỉnh từ trước tới nay, với các mã chứng khoán công nghệ ghi nhận xu thế tăng mạnh nhất.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25% - 5,50% , đồng thời cho biết lãi suất dự kiến sẽ giảm 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, trong bối cảnh lạm phát đang giảm dần về ngưỡng mục tiêu 2%. Dự báo tăng trưởng kinh tế cũng được Fed điều chỉnh tăng lên mức 2,1% trong năm 2024, từ mức chỉ 1,4% được đưa ra hồi tháng 12/2023.
Theo công cụ FedWatch của CME, giới giao dịch hiện dự đoán xác suất Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Sáu tới là khoảng 71%, cao hơn mức 56% vào đầu tuần này.
Ông Michael Sheldon, Giám đốc công ty tài chính RDM Financial Group nhận định, sau đợt khởi sắc của thị trường chứng khoán kéo dài từ tháng 10 năm ngoái, thị trường có thể bước vào nhịp điều chỉnh hoặc đi ngang trong thời gian tới.
Theo BNEWS (TTXVN)