.

Gỡ khó để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án ở ĐBSCL

Cập nhật: 19:03, 09/03/2024 (GMT+7)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình chuẩn bị và phê duyệt để triển khai 16 dự án về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chậm so với kế hoạch. Cơ quan này đề nghị các bên liên quan hoàn tất thủ tục theo quy định, chủ động giải quyết các khó khăn và đề xuất phương án thúc đẩy tiến độ những công trình này.

Ảnh minh họa. Ảnh: vneconomy.vn
Ảnh minh họa. Ảnh: vneconomy.vn

Ngày 9-3, tại cuộc họp ban chỉ đạo các dự án “Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” sử dụng vốn vay nước ngoài (dự án Mê Kông DPO), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quá trình chuẩn bị và phê duyệt để triển khai các dự án Mekong DPO vẫn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do trễ trong quá trình phê duyệt các dự án. Các cơ quan chưa trả lời các văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan liên quan cần hoàn tất thủ tục theo quy định, chủ động giải quyết các khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề ngoài khả năng. Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra phương án thúc đẩy tiến độ phê duyệt các dự án.

Đến nay, dự án của Bộ Giao thông vận tải (vay vốn WB) và tỉnh Trà Vinh (vay vốn ADB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất. Trong đó, dự án của Bộ Giao thông vận tải đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án MERIT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự án của tỉnh Long An (KEXIM) đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án. Các dự án của các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng mới đến giai đoạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung về tài chính.

Các dự án Mê Kông DPO do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đề xuất với 16 dự án. Tổng mức đầu tư hơn 99.130 tỉ đồng. Trong đó, vốn đối ứng của Việt Nam gần 30.040 tỉ đồng, vốn vay nước ngoài hơn 2,9 tỉ đô la Mỹ.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng mức đầu tư này tăng gần 12.800 tỉ đồng so với nghị quyết 108 về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài của các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyên nhân chủ yếu là do địa phương có những thay đổi trong đề xuất của dự án. Một số dự án có thay đổi số vốn lớn như dự án của tỉnh Bạc Liêu tăng 6.180 tỉ đồng, dự án của tỉnh Sóc Trăng có vốn đối ứng tăng gần 1.400 tỉ đồng, vốn vay tăng gần 1.590 tỉ đồng; dự án của thành phố Cần Thơ có vốn đối ứng tăng hơn 990 tỉ đồng, vốn vay tăng hơn 1.350 tỉ đồng…

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.