Kinh tế khá lên nhờ nuôi dê, bò sữa
Trong những năm qua, nhiều nông dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê, bò sữa của nông dân Nguyễn Văn Mẫn Đạt (ngụ ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) là một điển hình, giúp tăng thu nhập gia đình.
Ông Đạt chăm sóc đàn bò, dê của gia đình. |
20 năm qua, ông Đạt đã duy trì, phát triển nghề truyền thống chăn nuôi bò thịt của gia đình và đến nay ông tiếp tục phát triển nuôi bò sữa, cải thiện thu nhập, vươn lên cuộc sống khấm khá. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đạt cho biết, khi mới ra riêng, vợ chồng ông được gia đình hai bên cho 2 con bò và 5 công đất ruộng. Nhờ chịu khó lao động, vừa làm vừa tích lũy nên mỗi năm số lượng đàn bò cứ tăng dần.
Đến nay, gia đình ông có đàn bò sữa 12 con, trị giá hơn 200 triệu đồng và mua thêm 2 công đất ruộng. Ông Đạt tận dụng những công đất của gia đình để trồng cỏ, mua thêm rơm rạ phơi khô để dự trữ làm thức ăn chăn nuôi bò.
Theo tính toán của ông Đạt, với đàn bò sữa 12 con, trung bình mỗi ngày sản lượng sữa thu hoạch được gần 70 kg, mang về nguồn thu nhập trên 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí gia đình ông còn thu lãi khoảng 600 ngàn đồng.
Ngày hai buổi sáng chiều, vợ chồng ông Đạt luôn bận rộn với công việc cắt cỏ cho bò ăn, trộn thức ăn, thay nước uống cho bò, tắm rửa vệ sinh chuồng trại, vệ sinh dụng cụ vắt sữa và vắt sữa bò… Các công đoạn đều được đảm bảo vệ sinh sát trùng cẩn thận.
“Thời gian qua, người chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi, sản phẩm đầu ra không ổn định, khiến nhiều người chăn nuôi không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và không ít người chuyển sang ngành nghề khác.
Tuy nhiên, đối với nghề nuôi bò sữa, nhờ có sự đảm bảo đầu ra của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đặt trụ sở tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, đã giúp cho đầu ra cũng như thu nhập của những người nuôi bò sữa trên địa bàn, trong đó có gia đình tôi ổn định hơn”, ông Đạt chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đạt còn phối hợp giữa nuôi bò sữa với nuôi dê. Theo đó, ông đã xây dựng 2 dãy chuồng để nuôi gần 20 con dê. Ông Đạt cho biết, dê là con vật dễ nuôi, ít tốn thức ăn và gia đình đã tận dụng nguồn cỏ tươi có sẵn do nhà trồng nên tiết kiệm được chi phí. Trung bình mỗi năm tiền bán dê và thu nhập từ bò sữa đã mang về cho gia đình ông Đạt khoảng 200 triệu đồng.
Nói về nông dân Nguyễn Văn Mẫn Đạt, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh Huỳnh Văn Chơn cho biết: Không chỉ là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình đa dạng hóa chăn nuôi dê, bò sữa cho thu nhập khá cao, mà ông Đạt còn tích cực tham gia Tổ nhân dân tự quản của ấp Lợi An, là thành viên nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.
Ông còn tự nguyện tham gia đóng góp ngày công kéo đường dây điện thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh” tại các tuyến đường xóm, ấp, nhiệt tình tham gia các đợt ra quân trồng hoa, cây xanh, dọn vệ sinh môi trường do địa phương phát động. Đặc biệt, mô hình đa dạng hóa chăn nuôi dê, bò sữa của ông Đạt là điểm tổ chức tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm của hội viên nông dân các xã trong huyện Gò Công Tây.
Ông Đạt là tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi và có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Đồng Thạnh.
QUẾ ANH - KIM LAN