Thứ Tư, 06/03/2024, 22:12 (GMT+7)
.

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới

Qua 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 09 ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

PHÁT TRIỂN VỀ SỐ LƯỢNG LẪN CHẤT LƯỢNG

Cụ thể, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt việc triển khai, quán triệt và tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân; quan tâm tạo môi trường thuận lợi xúc tiến, mời gọi đầu tư gắn với phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân để nâng cao hiệu quả đóng góp vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại một buổi Cà phê doanh nhân (nguồn: Công thông tin điện tử Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại một buổi Cà phê doanh nhân (nguồn: Công thông tin điện tử Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang).

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp được nâng cao; vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy.

Tính đến ngày 31-12-2023, toàn tỉnh có 6.012 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 1.312 về số lượng doanh nghiệp và tăng 127,9% so năm 2011; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có 14 Chi hội doanh nghiệp trực thuộc, thu hút hơn 773 hội viên tham gia; đại bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân có tinh thần cầu tiến, đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh đúng chính sách, pháp luật, góp phần chăm lo đến lợi ích xã hội, đảm bảo lợi ích của người lao động; thực hiện đúng nghĩa vụ với Nhà nước, vượt qua khó khăn để đảm bảo hiệu quả bền vững.

Ngày 10-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, để thực hiện có hiệu quả của nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình 52, ngày 22-2-2024 để thực hiện Nghị quyết  41.

Trong đó, mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, làm giàu chính đáng, có văn hoá kinh doanh, tinh thần kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc; năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển của tỉnh và đất nước; xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng trưởng thành, hiệu quả hoạt động không ngừng được nâng lên; đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đông đảo, năng động, tham gia đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, đa dạng, phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của tỉnh.

Về mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt từ 10 ngàn đến 12 ngàn doanh nghiệp; phấn đấu có khoảng 1,5% trên tổng số doanh nghiệp tỉnh đạt tầm cả nước; một số doanh nghiệp đạt tầm khu vực; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cả nước, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045, Tiền Giang phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong nước và khu vực; số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 30 ngàn doanh nghiệp; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cả nước (khoảng 1,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ, VAI TRÒ

Về nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; thường xuyên thực hiện các chương trình thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh và của đất nước.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân lành mạnh và đúng định hướng; tổ chức Ngày Doanh nhân, khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu; doanh nghiệp, doanh nhân chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế; vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh, nỗ lực liên kết, hợp tác và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh; tổ chức cho doanh nhân và doanh nghiệp thực hiện tốt việc học tập và làm theo Bác Hồ, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình mục tiêu quốc gia, tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước phát động.

Chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các chương trình xã hội, chương trình đền ơn đáp nghĩa, xóa khó, giảm nghèo… Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân của tỉnh.

Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức tốt hội nghị đối thoại doanh nghiệp.

Từng bước mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới; triển khai tốt chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia trong thời kỳ mới; các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.

Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan; động viên doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân; giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.

Quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về tiêu chuẩn, an toàn lao động, an sinh, phúc lợi xã hội, an toàn vệ sinh lao động và thực hiện dân chủ ở cơ sở, hạn chế tối đa tranh chấp lao động.

Tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn phát huy tốt vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp phát triển doanh nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với nông dân theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân phát huy vai trò cầu nối trong liên kết, hợp tác.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức của đội ngũ trí thức.

Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, chi hội, hội doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền với doanh nhân, doanh nghiệp, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TẤN QUÂN

.
.
.