Thứ Hai, 25/03/2024, 12:49 (GMT+7)
.

Tiền Giang cần kết hợp hài hòa giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành Công Thương

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị, Tiền Giang cần kết hợp hài hòa giữa quy hoạch phát triển tỉnh với quy hoạch phát triển của ngành Công Thương.

Doanh nghiệp ngành Công Thương mong gỡ khó về nguồn vốn để ổn định sản xuấtCam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tại Việt NamThủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang

Nhiều kết quả tích cực

Chiều 24/3 Đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Báo cáo đoàn công tác, lãnh đạo Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,72%. Trong đó khu vực nông, lâm ngư nghiệp tăng 4,1%, công nghiệp xây dựng tăng 6,6% và khu vực dịch vụ tăng 6,64%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỉ trọng nông nghiệp. Theo đó, tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp đã tăng từ 60,9% trong năm 2020 lên mức 62,9% vào năm 2023, khu vực nông nghiệp giảm từ 39,1% xuống còn 37,1%. Trong 3 năm 2021 – 2023 sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về phát triển công nghiệp, năm 2023 các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh đã ổn định trở lại. Nếu như năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 2,1% thì đến năm 2022 đã tăng 11,25% và năm 2023 tăng 5,1%. Trên địa bàn tỉnh đang có 3 khu công nghiệp hoạt động ổn định với tổng diện tích 816,5 ha bao gồm Khu công nghiệp Mỹ Tho, khu công nghiệp Tân Hương lấp đầy 100% và Khu công nghiệp Long Giang lấp đầy 83%.

b

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc cùng Tỉnh Ủy Tiền Giang.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiến hành đầu tư, xây dựng thêm các khu công nghiệp khác như: Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp, khu công nghiệp Bình Đông, khu công nghiệp Tân Phước 1. Các khu công nghiệp đã thu hút 109 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 2,5 tỉ USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 71%. Về cụm công nghiệp, tỉnh có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 68 dự án với tông vốn đầu tư 0,2 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy 63%.

Về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2023 đạt 82 ngàn tỉ đồng, tăng 19,5 ngàn tỉ đồng so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh quan các năm, giai đoạn 2021 – 2023 đạt 12,2 tỉ USD. Trong đó năm 2023 đạt 5,4 tỉ USD, đứng thứ 4/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vượt so với chỉ tiêu 4,5 tỉ USD mà tỉnh đặt ra trong nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Tăng cường mở rộng thị trường

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã có những góp ý đối với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, trong giai đoạn 2021 – 2023 tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ giảm trong năm 2021 do dịch bệnh. Sau dịch bệnh, giai đoạn 2022 – 2023 sản xuất công nghiệp của Tiền Giang đã lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, trong 3 năm từ 2021 – 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 12,2 tỉ USD.

Về các mặt hàng xuất khẩu, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Tiền Giang chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy, hải sản và một số mặt hàng của các doanh nghiệp FDI. Trong đó, các thị trường xuất khẩu của Tiền Giang chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà… và các thị trường mới và thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á, Trung Đông, cũng như các thị trường khó tính là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa tập trung nhiều vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

b

Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị

Đối với thị trường trong nước, doanh thu bán lẻ và dịch vụ cũng tăng dần qua các năm nhờ lợi thế gần với TP. Hồ Chí Minh – trung tâm tiêu thụ lớn. Trong thời gian qua, Tiền Giang cũng có nhiều kết nối tốt với thị trường tiêu thụ này.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện ngành Công Thương đã có 4 quy hoạch được Chính phủ phê duyệt gồm: Quy hoạch Điện VIII; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch dự trữ xăng dầu quốc gia, và Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản Việt Nam. Do đó, trong quá trình phát triển quy hoạch của tỉnh, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần quan tâm kết hợp hài hòa giữa quy hoạch phát triển tỉnh với quy hoạch phát triển của ngành Công Thương.

“Đối với quy hoạch phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt trong giai đoạn từ 2021 – 2025 đã có định hướng rõ về phát triển công nghiệp của tỉnh như cần tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại với quy mô lớn; tập trung vào phát triển công nghiệp gắn với môi trường; phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh như chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, dệt may, da giày và linh kiện điện tử. Do đó, tỉnh cần cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng này để phát triển tốt hơn”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.

Về thương mại dịch vụ thì hiện nay Việt Nam đã có 16 FTA, do đó Tiền Giang cần quan tâm thêm để có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Tiền Giang là tỉnh có lợi thế về phát triển thủy sản và trái cây. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu của các thị trường thì ngày càng khó tính hơn. Điển hình như thị trường Trung Quốc, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu để xuất khẩu chính ngạch thì sẽ bền vững hơn. Do vậy, Tiền Giang cần quan tâm hơn đến việc phát triển những vùng nguyên liệu lớn; đồng thời gia tăng chế biến, tập trung vào những khâu có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là các hệ thống logistics ở các kho lạnh, kho mát dự trữ để đảm bảo việc bảo quản khi vào mùa thu hoạch.

Đối với các cái mặt hàng về thủy sản, cụ thể là cá cá tra, Tiền Giang có lợi thế rất lớn. Tuy vậy hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, song thị trường này cũng đang có nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng sản phẩm. Song song đó, phải tìm kiếm các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường.

"Bộ Công Thương mong tỉnh quan tâm hơn đến việc phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ đó tận dụng lợi thế để đưa hàng vào hệ thống siêu thị cả trong, ngoài nước" - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường để tỉnh phát triển hơn trong thời gian tới. "Bộ Công Thương có hệ thống Thương vụ ở các nước. Do đó, Tiền Giang cần chủ động liên hệ với các Thương vụ trong quá trình kết nối, tìm kiếm thị trường mới cũng như tận dụng lợi thế từ các FTA để gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới"- Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.

Theo Báo điện tử Công Thương 

.
.
.