Tiền Giang: Hơn 8,2 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi
Theo Kế hoạch 411 ngày 25-1-2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tổng kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024 là hơn 8,2 tỷ đồng.
Đối với cây trồng, chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm ngăn ngừa, không chế dịch bệnh phát sinh, lây lan thành dịch trên diện rộng, đặc biệt là các đối tượng dịch hại mới, góp phần bảo vệ năng suất và sản lượng cây trồng. Tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của nông dân về tính nguy hại của các loài dịch hại, nắm rõ và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch hại an toàn, hiệu quả. Nâng cao ý thức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và rộng rãi trong nhân dân, nhất là đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp về những nguy cơ, tác hại của các loại dịch hại quan trọng. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.
Chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. |
Dự tính, dự báo tình hình dịch hại và cảnh báo nguy cơ sâu bệnh phát triển thành dịch; khoanh vùng để tăng cường công tác giảm sát, kiểm soát dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ cao trong công tác dự tính, dự báo và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Chủ động điều tra, theo dõi, phát hiện để kịp thời khống chế và dập tắt dịch hại không để dịch hại trên cây trồng bộc phát, lây lan trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho người sản xuất nhằm ổn định và phát triển sản xuất trồng trọt.
Triển khai thực hiện các giải pháp về kỹ thuật để chủ động phòng, chống dịch hại trên cây trồng phải thiết thực hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; thực hiện đồng bộ các biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Mọi tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. |
Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cùng tuyên truyền, vận động người sản xuất trồng trọt tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Tiếp tục điều tra, theo dõi tình hình dịch hại ngoài đồng ruộng, theo dõi hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được lắp đặt tại các địa phương, tình hình rầy nâu di trú để xây dựng lịch thời vụ và chỉ đạo gieo sạ đồng loạt; đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác điều tra, phát hiện diễn biến của các loại dịch hại trên các cây trồng khác để thông báo và hướng dẫn nông dân phòng, chống kịp thời. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.
Đối với vật nuôi, chủ động các biện pháp hành chính và kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi (kể cả động vật thủy sản), kịp thời ứng phó với các biến chủng mới của mầm bệnh, góp phần giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi tại địa phương. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. Ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; phát huy hiệu quả công tác dự đoán, dự báo, cảnh báo dịch bệnh và sử dụng vắc xin an toàn, phù hợp trên vật nuôi.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là về tầm nguy hiểm của dịch bệnh động vật, đặc biệt các loại bệnh nguy hiểm truyền lây từ động vật sang người; phổ biến sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh động vật; thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác về diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi; vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật đúng theo quy định. Về công tác tiêm phòng, tiêm phòng bắt buộc bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...
P. NGHI