Thứ Hai, 18/03/2024, 14:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhà vườn "đứng ngồi không yên" vì bệnh cháy lá trên cây sầu riêng

Những ngày qua, dù giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang duy trì ở mức rất cao, nhưng nhà vườn lại lo lắng do bệnh cháy lá đang hoành hành. Một số nhà vườn phải “bấm bụng” lặt bỏ hoa, trái để giữ cây.

NHIỀU DIỆN TÍCH BỊ CHÁY LÁ

Theo một số nhà vườn tại huyện Cai Lậy, bệnh cháy lá trên cây sầu riêng đã xảy ra từ trước Tết Nguyên đán 2024. Gia đình ông Trần Hoàng Sang (ấp Tân Bường B, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) canh tác 1,8 ha sầu riêng. Theo ông Sang, tình trạng sầu riêng cháy lá xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán, sau đó cây bị suy kiệt, thậm chí là chết cây. Nguyên nhân sầu riêng cháy là chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết. Theo ông Sang, hiện có khoảng 60% cây sầu riêng trong vườn bị bệnh cháy lá. Cây bị kiệt sức nên không thể để trái nhiều như những năm trước.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Hồ Thị Xuân Đào, hiện toàn xã có khoảng hơn 600 ha sầu riêng. Bệnh cháy lá ít xảy ra tại các vườn sầu riêng tơ hơn những vườn lâu năm. Qua theo dõi, trên địa bàn xã có khoảng trên 50% diện tích sầu riêng bị cháy lá. Khi xảy ra cháy lá, cây đang mang hoa thì không thể nuôi trái được. Có hộ phải lặt bông bỏ, có trái nhỏ thì cũng cắt bỏ để nuôi cây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn khảo sát tình hình sầu riêng bị cháy lá trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn khảo sát tình hình sầu riêng bị cháy lá trên địa bàn huyện.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, hiện tình trạng bệnh cháy lá trên cây sầu riêng đã giảm, nhưng vẫn còn do ảnh hưởng của thời tiết. Những ngày qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn cho nông dân phòng, trị bệnh cháy lá và chăm sóc vườn sầu riêng.

Còn tại địa bàn TX. Cai Lậy, theo ghi nhận, tình trạng sầu riêng cháy lá cũng xảy ra tại nhiều vườn. Theo ông Nguyễn Văn Khanh (xã Phú Quý, TX. Cai Lậy), vườn sầu riêng 5 công của gia đình ông xử lý ra hoa nghịch vụ muộn vào trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cây đang trong giai đoạn mang trái thì bệnh cháy lá xuất hiện. Điều này khiến cây suy kiệt và dẫn đến rụng trái.

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cái Bè, hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng có nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân đầu tiên là do đất trồng bị thiếu chất hữu cơ, làm cho đất bị nén, dẽ chặt, thiếu độ tơi xốp dẫn đến rễ cây thiếu trầm trọng lượng oxy trong đất. Nguyên nhân thứ hai là do chỉ số pH thấp.

Thực tế ghi nhận cho thấy, hầu hết các vườn cây có hiện tượng cháy lá đều có chỉ số pH đất từ 4-4,5, có vườn dưới 4. Đất chua nhiều ion Al, ion Fe dẫn đến tình trạng ngộ độc cho rễ cây, làm rễ bị bó và chùn lại không phát triển được. Thứ ba, đối với vườn cây cho trái, do cây bị “stress”.

Nguyên nhân có thể là do sử dụng quá nhiều chất ức chế sinh trưởng (paclobutazol) kết hợp với siết nước tạo khô hạn trong quá trình xử lý ra hoa. Việc siết nước tạo khô hạn nhằm hạn chế tối đa hoạt động của hệ thống rễ, ảnh hưởng đến sự bốc thoát hơi nước ở lá và trong điều kiện mùa khô, nắng nóng với nền nhiệt cao cũng góp phần làm cho lá dễ bị tổn thương. Thứ tư, là do cây bị nhiễm nấm bệnh.

Còn tại huyện Cái Bè, theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cái Bè, cháy lá là hiện tượng xuất hiện khá phổ biến trong các vườn trồng sầu riêng. Hiện tượng cháy lá sầu riêng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây, làm giảm năng suất và phẩm chất của trái sầu riêng.

Qua khảo sát thực tế tại nhiều vườn sầu riêng có điều kiện canh tác tương đồng nhau trên địa bàn huyện, triệu chứng lá sầu riêng bị cháy có nhiều biểu hiện. Cụ thể, ban đầu đuôi lá bị cháy nhẹ đến một nửa lá, có khi đến 2/3 lá. Ngoài ra, trên lá còn có những đốm nhỏ, sũng nước, sau đó liên kết lại thành mảng bất dạng nhũn nước hay phỏng nước sôi trên lá; màu xám với hình tròn đồng tâm chồng lên nhau, gây ra hiện tượng rụng lá.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn, thống kê sơ bộ, ước có khoảng 20% - 30% diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh cháy lá. Hiện địa phương đang tập trung quyết liệt, hướng dẫn người dân chăm sóc vườn sầu riêng. “Những cây sầu riêng tơ, chưa cho trái thì không bị bệnh. Tuy nhiên, những cây đang mang trái thì bị cháy lá nhiều. Trong quá trình xử lý nghịch vụ, nhà vườn cắt nước để sầu riêng ra hoa. Sau đó, nhà vườn mở mũ đậy gốc sầu riêng, đây là giai đoạn thiếu nước cộng với nắng nóng gay gắt dẫn đến lá sầu riêng bị cháy và rụng lá. Từ đó, trái sầu riêng không lớn được, thậm chí trái rụng hoặc cây mang trái rồi chết. Hiện nay, tình trạng sầu riêng cháy lá trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu đứng lại” - đồng chí Phan Thanh Sơn thông tin thêm.

PHÒNG, TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Kim Uyên, Phó trưởng Bộ môn Bảo vệ Thực vật - Viện Cây ăn quả miền Nam, nguyên nhân sầu riêng cháy lá trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua là do chế độ canh tác, chăm sóc và bón phân chưa hợp lý. Nhà vườn chủ yếu chỉ bón phân hóa học, thiếu bổ sung các loại phân hữu cơ và trung vi lượng; chưa cân đối giữa NPK, không hoặc ít sử dụng phân hữu cơ truyền thống và nấm có lợi như Trichoderma.

Mặt khác, biện pháp vệ sinh vườn để chủ động phòng ngừa bệnh theo điều kiện thời tiết chưa được quan tâm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khô hạn, thiếu nước tưới dẫn đến cây bị suy kiệt dễ bị nấm bệnh tấn công. Việc lựa chọn và sử dụng một số loại thuốc hóa học chưa chuyên biệt cho dịch hại (bệnh cháy lá, thối rễ, chết cành...) trên cây sầu riêng.

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Thị Kim Uyên, hiện tượng cây sầu riêng bị cháy lá là do nông dân thường xuyên cuốc đất gốc sau khi dỡ mũ đậy gốc làm ảnh hưởng đến rễ. Sau đó, bệnh thối rễ xuất hiện do các loại nấm Fusarium, Pythium, Phytophthora và tuyến trùng gây ra và bệnh cháy lá (trên lá bị xâm nhiễm bởi các nấm Colletotrichum sp., Fusarium sp. Phomopsis durionis và Lasiodiplodia theobromae). Trong các năm qua, hiện tượng sầu riêng cháy lá vẫn có xảy ra với diện tích và tỷ lệ thấp. Song năm nay, diện tích và tỷ lệ cao hơn do có thêm mặn (tuy độ mặn không cao) và nền nhiệt quá cao dẫn đến cây sầu riêng cháy lá nhanh hơn.

Để phòng và trị bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, nhà vườn không nên hoặc hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt cỏ trên vườn. Đồng thời, không nên cuốc đất xung quanh gốc sầu riêng sau khi dỡ mũ xử lý ra hoa nghịch vụ. Những vườn có xử lý ra hoa vụ nghịch thì nên lặt bỏ hết hoa, trái hoặc bỏ một phần hoa, trái nếu cây có dấu hiệu bệnh và suy kiệt. Nông dân cần tưới đủ nước cho cây, bón bổ sung phân trung vi lượng; bón phân hữu cơ + nấm Trichoderma và những vi sinh vật đối kháng khác như: Streptomyces, Pseudomonas…

Về biện pháp sinh học, nhà vườn nên sử dụng phân hữu cơ truyền thống như: Phân chuồng, bò, gà, rơm khô, cỏ khô... đã ủ hoai mục (50-100 kg/cây/năm) kết hợp nấm rễ Arbuscular Mycorrhizal (100g-150g/cây/năm), Trichoderma, Streptomyces… nhằm hạn chế sự phát triển của mầm bệnh trong đất, giúp bộ rễ được phát triển mạnh khoẻ.

Về biện pháp hóa học, đối với bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, nhà vườn cần phun xịt thuốc 3 lần (cách nhau 7-10 ngày) để phòng trừ nấm bệnh, sử dụng luân phiên các hoạt chất Propineb, Metiram complex, Mancozeb+Metalaxyl-M, Trifloxystrobin+ Tebuconazole. Cụ thể, lần 1, nhà vườn sử dụng thuốc trừ bệnh: Propineb, Metiram complex, Mancozeb+Metalaxyl-M, Trifloxystrobin+ Tebuconazole; lần 2 sử dụng thuốc trừ bệnh: Propineb, Metiram complex, Mancozeb+Metalaxyl-M, Trifloxystrobin+ Tebuconazole (lưu ý giai đoạn cây ra đọt non thì nên phun trừ thêm nhóm côn trùng chích hút Nitenpyram (Acnipyram/ Nitensuper…..) + Buprofezin (Applaud/Butyl…); lần 3 sử dụng thuốc trừ bệnh: Hexaconazole (Anvil/Huivil; Trifloxystrobin + Tebuconazole…).

T. ĐẠT

.
.
.