Chủ Nhật, 10/03/2024, 20:56 (GMT+7)
.

Xây dựng mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Qua đó, vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.

Trong những ngày qua, nông dân ở ĐBSCL phản ánh, lúa của nông dân bị “ngâm” đến ngày thứ 3 vẫn chưa được thương lái đến cân như cam kết. Ảnh: Trung Chánh.
Trong những ngày qua, nông dân ở ĐBSCL phản ánh, lúa của nông dân bị “ngâm” đến ngày thứ 3 vẫn chưa được thương lái đến cân như cam kết. Ảnh: Trung Chánh.

Đây là thông tin được đề cập từ Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, theo Baochinhphu.vn

Trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, thương lái đóng vai trò quan trọng sau mỗi mùa vụ. Thương lái giúp các công ty lương thực có thể tiếp cận/mua lúa tươi tại ruộng cho người dân trồng lúa, qua đó, giải được bài toán vận chuyển cho người nông dân cũng như giải quyết khâu phơi sấy sau khi thu hoạch lúa.

Khi nói về thương lái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, thương lái là một phần không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, với doanh nghiệp. Thương lái cần tự tin với vai trò đóng góp chủ động và tích cực hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.(*)

Ngoài việc thí điểm đưa để thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ đông xuân 2023-2024 tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL giữa hợp tác xã với doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, thu về gần 4,7 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 14% về lượng và hơn 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.