.

Chuyện về những nông dân biến "đất cằn nở hoa"

Cập nhật: 10:34, 05/04/2024 (GMT+7)

Họ là nông dân tiêu biểu, gắn bó hằng ngày với cây, con, đồng đất quê hương, không chỉ để làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn mang trong mình khao khát biến “đất cằn nở hoa, ra trái ngọt”.

“VUA” MAI VÀNG BÙI VĂN CÔNG

Khác với nhiều người dân trong vùng, với niềm say mê cây kiểng, nhất là cây mai vàng, nhiều năm qua, ông Bùi Văn Công (ấp Lợi Thuận, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) miệt mài tạo dựng vườn mai vàng cùng một số loại kiểng khác mang nhiều dáng, thế độc đáo có giá trị cao. Ông là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Tiền Giang được Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận danh hiệu “Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu” vào năm 2020.

“Vua” mai vàng Bùi Văn Công
“Vua” mai vàng Bùi Văn Công.

Sở hữu 1.000 cây mai vàng và 3.000 cây tùng cổ các loại trên diện tích 10.000 m2, ông Công thỏa sức tạo dáng, thế cho cây kiểng để nâng cao giá trị. Ông Công tâm sự, từ nhỏ, ông rất say mê cây cảnh, nhất là cây mai vàng. Chính vì thế, cách đây hơn 34 năm, ông đã tận dụng diện tích đất trồng cam, quýt của gia đình để trồng xen vào những cây mai vàng. Cứ thế, mỗi năm số lượng cây mai trong vườn ngày càng nhiều lên. Những cây mai ông mua về chủ yếu là những cây mai phôi, cây mai lớn chưa được uốn nắn. Những cây mai này sau đó được ông chăm sóc, tạo hình giúp nâng cao giá trị cho cây.

Không chỉ thúc đẩy phong trào Sinh vật cảnh ở địa phương phát triển, ông Bùi Văn Công còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động như làm cỏ, cắt cành với thu nhập từ 9 đến 11 triệu đồng/người/tháng. Đáng quý hơn, ông Công còn tận tình hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây kiểng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong xóm, ấp cùng vươn lên thoát nghèo. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 vừa qua, ông đã trao tặng 100 phần quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 30 triệu đồng; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ vốn  cho nông dân, tham gia các công trình phúc lợi xã hội, với tổng kinh phí hàng chục triệu đồng.

Ông Công chia sẻ thêm, để có được một cây mai vàng đẹp, nở hoa đúng thời điểm, đòi hỏi người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút tỉ mỉ suốt cả năm. Theo đó, để cây mai vàng phát triển tốt, có giá trị tinh thần và vật chất, người trồng mai phải hiểu “cái nết” của cây. Từ vốn năng khiếu sẵn có và tình yêu với cây mai vàng đã giúp ông Công trở thành ông chủ một vườn mai vàng chuyên trồng, mua bán mai vàng nổi tiếng khắp huyện Cái Bè.

Mỗi năm, ông bán từ 200 đến 300 cây mai lớn nhỏ, thu về từ 1,2 đến 2 tỷ đồng. Hiện tại, trong vườn của ông có vài chục cây mai vàng, với trị giá mỗi cây lên đến trên 1 tỷ đồng; hàng trăm cây mai cổ thụ có giá vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Công còn sở hữu rất nhiều cây tùng cổ đẹp, dáng khác nhau, có giá trị không kém gì cây mai vàng. 

* KHÁ LÊN TỪ CÂY BƯỞI DA XANH

Nông dân Lê Văn Song (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được mọi người biết đến là một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Ông đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào 5.000 m2 đất trồng bưởi da xanh xen bưởi lông Cổ Cò cho hiệu quả khá cao. Ông Song cho biết, để trái bưởi đạt năng suất cũng như có mẫu mã đẹp, ông đã trồng xen những cây bưởi long Cổ Cò vào vườn bưởi da xanh. Vườn bưởi có tuổi thọ trên 10 năm nhưng cây vẫn cho trái khá sai. Đến nay, cây bưởi da xanh đã hoàn toàn cho thấy có khả năng thích ứng với vùng đất nơi đây, gia đình ông cũng khá lên là nhờ cây bưởi da xanh.

Ông Song chia sẻ: “Cây bưởi da xanh không phải là loại cây trồng quá kén đất. Tuy nhiên, loại cây này có nhiều loại sâu bệnh như xơ mủ và sâu đục trái. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, người trồng phải chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh. Đặc biệt, người trồng phải chọn giống thật kỹ, phải am hiểu kỹ thuật trồng, thời điểm cung cấp chất dinh dưỡng, cung cấp đủ tưới nước cho cây”.

Ông Lê Văn Song chăm sóc bưởi.
Ông Lê Văn Song chăm sóc bưởi.

Vườn bưởi của gia đình ông gần như cho trái quanh năm; thương lái đến tận vườn thu mua giá bình quân 20.000 đồng/kg; trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 200 triệu đồng. Bên cạnh lợi nhuận từ cây bưởi da xanh trồng xen bưởi lông Cổ Cò, ông Song còn có thêm thu nhập từ hơn 2 công đất trồng nhãn và mai vàng, để vừa thỏa đam mê vừa làm kinh tế. Hàng trăm cây mai vàng có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Lợi nhuận cao từ vườn bưởi và các mô hình nuôi trồng hiệu quả khác đã giúp đời sống gia đình ông Song nâng lên rõ rệt.

Cũng từ cách làm hiệu của gia đình ông Song, nhiều nông dân ở địa phương đã đến học tập và áp dụng chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Nhờ những thành tích trong sản xuất, ông Lê Văn Song được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Song còn tích cực tham gia đóng góp công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo, chung tay xây dựng quê hương.

* CẦN CÙ LAO ĐỘNG VƯƠN LÊN KHÁ GIÀU

Vừa là hội viên Hội Nông dân, vừa là hội viên Hội Cựu chiến binh của xã, ông Lê Văn Dũng (ấp 1, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" khi trở về với cuộc sống đời thường và đã trở thành nông dân sản xuất giỏi. Năm 1979, vừa lập gia đình, ông Dũng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia quân tình nguyện của Việt Nam giúp nước bạn Campuchia. Sau 5 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về quê hương lo phát triển kinh tế gia đình. Ông làm công nhân cho Công ty Thức ăn Mỹ Tường gần 10 năm; vừa làm công nhân vừa chăm sóc vườn nhà.

Ông Lê Văn Dũng chăm sóc cây kiểng
Ông Lê Văn Dũng chăm sóc cây kiểng.

Ông Dũng chia sẻ, khi mới lập gia đình, cha mẹ cho vợ chồng hơn 2 công đất để “lập nghiệp”. Vợ chồng cố gắng chí thú làm ăn, ai thuê gì cũng làm, mong sau có cuộc sống ổn định để sau này con cháu đỡ vất vả. Nhờ tính năng động, cần cù, chịu khó học hỏi và biết áp dụng những tiến bộ khoa học -  kỹ thuật vào sản xuất, ông cải tạo vườn tạp thành vườn dừa cho năng suất cao.

Để tạo thêm việc làm lúc nông nhàn, ông Dũng bàn với vợ trồng thêm bưởi da xanh, trồng kiểng; đồng thời, mở thêm tiệm buôn bán nhỏ phục vụ nhu cầu cho người dân trong xóm, ấp. Nhờ làm ăn đạt hiệu quả, tích lũy được vốn, vợ chồng ông mua thêm đất để sản xuất và cho các con sau này. Từ làm vườn và buôn bán nhỏ đã giúp cho cuộc sống gia đình ông ổn định; xây dựng được nhà cửa khang trang.

Với kết quả sản xuất - kinh doanh trên, ông Lê Văn Dũng được tặng nhiều Giấy khen trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh gỏi”, “Cựu chiến binh gương mẫu” của địa phương. Đến nay tuy có tuổi, nhưng ông Dũng vẫn cần cù lao động, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

SỚM MAI

.
.
.