Thứ Hai, 08/04/2024, 09:48 (GMT+7)
.

Cơ bản kiểm soát hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng

(ABO) Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, để quản lý hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội thảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Thêm vào đó, những ngày qua, độ mặn giảm, các cống trên đường tỉnh 864 vận hành mở giúp nguồn nước nước tưới tiêu dồi dào nên tình hình cháy lá trên cây sầu riêng do sinh lý, chăm sóc đã cải thiện và phục hồi.

Hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng cơ bản được kiểm soát.
Hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng cơ bản được kiểm soát.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh là 21.790 ha, trong đó diện tích giai đoạn kiến thiết cơ bản 6.875 ha và 14.915 ha cho trái, năng suất 25,93 tấn/ha, sản lượng 386.724 tấn/năm.

Tính đến thời điểm cuối tháng 3-2024, toàn tỉnh Tiền Giang có 5.597 ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cháy lá, chiếm 25,7% diện tích sầu riêng của tỉnh. Trong đó, huyện Cai Lậy 3.162 ha, huyện Cái Bè 1.860 ha, TX. Cai Lậy 340 ha và huyện Châu Thành 235 ha. Tỷ lệ sầu riêng bị cháy lá dưới 30% là 5.125 ha; từ 30% - 40% là 472 ha.

Hiện tượng cháy lá sầu riêng tại tỉnh là do nhiều nguyên nhân gây ra. Trước hết, cháy lá do sinh lý, vườn suy kiệt sau thu hoạch kết hợp ảnh hưởng thời tiết. Mặt khác, sầu riêng cháy lá còn do nguyên nhân nhiễm nấm bệnh kết hợp với vườn suy kiệt và ảnh hưởng thời tiết nắng nóng.

Trước sự xuất hiện của hiện tượng cháy lá trên sầu riêng, ngành Nông nghiệp phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam đã tổ chức Hội thảo “Biện pháp quản lý bệnh cháy lá trên sầu riêng” và “Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng trong điều kiện hạn, mặn” tại huyện Cai Lậy.

Song song đó, ngành Nông nghiệp đã tổ chức 36 cuộc tập huấn tại các xã trọng điểm trồng sầu riêng với trên 1.080 nông dân tham dự. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã tổ chức cảnh báo và khuyến cáo các giải pháp quản lý hiện tượng cháy lá sầu riêng đến người dân, đặc biệt trong mùa khô thông qua các bản tin thời tiết nông vụ.

Thông qua tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nông dân đã tích cực chăm sóc vườn sầu riêng. Đến nay, hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng tại Tiền Giang đã cơ bản được kiểm soát, hạn chế gia tăng thêm diện tích nhiễm mới. Các diện tích sầu riêng đã bị nhiễm cháy lá trước đó, cây đã phục hồi, ra cơi đọt mới và sẽ cho vụ trái tiếp theo trong 4 - 5 tháng tới.

Để quản lý hiện tượng cháy lá sầu riêng trong thời gian tới, trước mắt, Tiền Giang sẽ tổ chức 1 cuộc tọa đàm để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quản lý hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, nắm sát tình hình gây hại của hiện tượng cháy lá trên sầu riêng và áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân, cũng như tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp quản lý hiện tượng cháy lá sầu riêng, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Theo đó, giải giáp là cung cấp đủ nước cho vườn cây sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt hay béc phun sương kết hợp ủ gốc giữ ẩm bằng lá cây, rơm rạ, lục bình, cỏ khô,… Nông dân cần tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này để giảm bốc thoát hơi nước.

Đồng thời, hạn chế bón các loại phân bón hóa học khi không đảm bảo đủ nước tưới cho cây; tăng cường sử dụng phân bón trung vi lượng để tăng sức đề kháng cho cây, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng đã ủ hoai mục; nâng chỉ số pH đất lên trên 5 bằng cách bón vôi, hạn chế sử dụng phân sinh lý chua.

Nông dân cần áp dụng đúng kỹ thuật, quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ, trong đó hạn chế việc sử dụng paclobutazol; điều khiển và kiểm soát tốt quá trình ra đọt, nuôi trái bằng cách tăng lượng dinh dưỡng qua lá.

Một trong những giải pháp quan trọng là chuyển đổi mùa vụ xử lý ra hoa, đậu trái để tránh ảnh hưởng của khô hạn, nắng nóng. Đối với vườn có sự xuất hiện của nấm bệnh thán thư cần phun các loại thuốc đặc trị.

T. ĐẠT

.
.
.