Thứ Hai, 15/04/2024, 10:49 (GMT+7)
.

Giá sầu riêng ở ĐBSCL "lao dốc", vì sao?

Ba tháng đầu năm 2024, tại ĐBSCL giá sầu riêng liên tục tăng cao, có thời điểm thương lái mua tại vườn 210.000 đồng/kg với sầu riêng Monthong, 160.000 đồng/kg với sầu riêng Ri6. Thế nhưng, hơn 10 ngày qua, giá sầu riêng “lao dốc”.

Mua sầu riêng non, ép giá

Ông Nguyễn Thái Hùng, chủ vườn sầu riêng hơn 200 gốc ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), cho biết, giá sầu riêng tại Tiền Giang đang “tuột dốc không phanh”. “Mới 10 ngày trước, thương lái vô tận vườn mua sầu riêng Monthong với giá hơn 200.000 đồng/kg, thậm chí sầu riêng chưa đến tuổi thu hoạch, cơm chưa vàng, chưa có độ đường vẫn mua. Vậy mà giờ họ chỉ mua được một nửa giá”, ông Hùng buồn rầu.

Hiện ở một số nơi như Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Phong Điền (TP Cần Thơ), Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang)…, giá bán sầu riêng Monthong chỉ còn ở mức 100.000-110.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 còn 60.000-70.000 đồng/kg. “Chi phí trồng sầu riêng rất lớn, mỗi hécta sầu riêng từ khi trồng đến lứa thu hoạch đầu tiên mất ít nhất 600 triệu đồng. Gia đình tôi đã vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng đầu tư vườn sầu riêng gần 3ha. Mới thu hoạch được lứa đầu tiên, tiền ngân hàng chưa trả hết, giờ giá cả thế này, không biết sắp tới sẽ thế nào”, ông Đặng Hồng Minh, chủ vườn sầu riêng ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), lo lắng.

Theo Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua (2013-2023), diện tích sầu riêng của vùng ĐBSCL tăng thêm 20.600ha, từ 12.600ha lên 33.200ha. Sản lượng sầu riêng đạt khoảng 330.000 tấn. Giá sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các tháng đầu năm 2024 rất cao. Một số nông dân đã chuyển đổi cây trồng như lúa, mít... sang trồng sầu riêng, có một số diện tích chuyển đổi không theo vùng quy hoạch của địa phương.

Nói về nguyên nhân khiến sầu riêng bị rớt giá, nhiều nhà vườn ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, có nhiều lý do, nhưng chính yếu là do chất lượng sầu riêng xuất khẩu chưa được kiểm soát chặt; một bộ phận thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn không có chữ “tín”. Cụ thể, gần đây, khi thị trường hút hàng, giá bán cao, một số doanh nghiệp và vựa thu mua ký hợp đồng số lượng lớn với đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, do nguồn cung ít, không đủ giao, thương lái “ép” nhà vườn (đã ký hợp đồng mua bán) cắt sầu riêng trái non, dẫn đến chất lượng không đạt yêu cầu, người tiêu dùng “quay lưng”. Ngoài ra, hạn mặn đang diễn ra khốc liệt ở miền Tây, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng của sầu riêng. Lợi dụng điều này, thương lái ép giá nhà vườn, cố tình làm khó để mua giá thấp.

Huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) có diện tích trồng sầu riêng hơn 3.530ha và diện tích đang cho trái là hơn 2.000ha, sản lượng trên 32.600 tấn. Trong tháng 3 vừa qua, khi giá sầu riêng “đạt đỉnh”, nguồn hàng ít, tại địa phương này đã xuất hiện tình trạng thương lái mua sầu riêng non, kém chất lượng, xử lý hóa chất để chín trái, sau đó đem bán ở thị trường trong nước.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1 (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), cho biết, một số thương lái sau khi cắt được 5% diện tích (bằng hoặc hơn giá trị tiền cọc theo hợp đồng) sầu riêng chưa đến tuổi thu hoạch, còn “giở trò” bỏ cọc, ép nông dân hạ giá 20%-30% mới tiếp tục mua diện tích còn lại. “Biết rõ thương lái ép giá, nhưng hầu hết nhà vườn vẫn phải bán, vì vườn sầu riêng đang bán dở, nếu bán cho thương lái khác giá còn giảm hơn rất nhiều”, ông Hoảnh bức xúc.

a
Nhà vườn tại ĐBSCL thu hoạch sầu riêng

Phải siết lại chất lượng

Trước tình trạng thương lái “làm giá”, thu mua sầu riêng non, UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) vừa có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn nắm chặt tình hình mua bán sầu riêng, có biện pháp xử lý các trường hợp “làm giá”, “ép giá”, “chiêu trò” trong mua bán sầu riêng. Đồng thời, khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm, đảm bảo chất lượng sầu riêng bán ra thị trường, nhất là đối với các lô hàng xuất khẩu, tránh làm mất uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xác nhận, gần đây có tình trạng thương lái “ép” cắt sầu riêng non bán cho phía Trung Quốc trong lúc giá tăng cao, nguồn cung thiếu hụt. Điều này dẫn đến hệ lụy là sản phẩm của Việt Nam không được một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc ưa dùng như trước, sức mua giảm, giá giảm theo. “Thái Lan cũng đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Trong khi sầu riêng Việt Nam có chất lượng thấp hơn, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu của ta phải giảm giá mới có thể cạnh tranh”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.

Đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương ở ĐBSCL cho rằng, Việt Nam cần nghiêm túc xem lại chất lượng sầu riêng xuất khẩu khi giá bán “lao dốc”. “Ở các nước, chẳng hạn Thái Lan, nếu bán sầu riêng non bị phát hiện, ngoài việc bị tiêu hủy lô hàng, doanh nghiệp còn bị phạt, trong khi ở Việt Nam việc này đang bị thả nổi, không một ai kiểm tra, chế tài”, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ ra tồn tại. Theo vị này, Việt Nam nên sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thậm chí cho từng giống. Cùng với đó là cần có những tổ chức phụ trách kiểm tra và xử lý, chứ chỉ kiểm dịch thực vật thôi là chưa đủ.

Cập nhật thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm này, cả nước đã có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong số 23 địa phương của Việt Nam được cơ quan chức năng của Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này, Tiền Giang là địa phương đứng đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tiếp đến là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước… Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, các địa phương cần quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, gắn với tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng sầu riêng, ngăn chặn tình trạng mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý 1. Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng ở mức 15%-20% so với năm 2023, sẽ vươn lên kỷ lục mới 6-6,5 tỷ USD. Đáng chú ý, sầu riêng là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với ước tính kim ngạch đạt 254 triệu USD trong quý 1-2024, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.