Thứ Tư, 17/04/2024, 10:34 (GMT+7)
.

Huyện Cái Bè: Hướng đến phát triển bền vững cây sầu riêng

Với lợi nhuận hấp dẫn mà cây sầu riêng mang lại, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã chuyển sang trồng loại cây “tiền tỷ” này. Để phát triển bền vững cây sầu riêng, huyện Cái Bè đang tập trung xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) để phục vụ xuất khẩu chính ngạch, cũng như triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng.

DIỆN TÍCH TĂNG NHANH

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè, đến cuối năm 2023, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện hơn 9.500 ha (chủ yếu là giống sầu riêng Monthong, Ri6); trong đó, diện tích cho trái chiếm khoảng 50%. Năng suất bình quân đạt từ 20 - 25 tấn/ha, sản lượng bình quân 97.000 - 121.000 tấn/năm.

Huyện Cái Bè phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo để đánh giá tình hình thích ứng của cây sầu riêng phía Bắc Quốc lộ 1.
Huyện Cái Bè phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo để đánh giá tình hình thích ứng của cây sầu riêng phía Bắc Quốc lộ 1.

Diện tích sầu riêng tập trung nhiều ở 14 xã gồm: Mỹ Lợi A, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lợi B, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Tân, Mỹ Đức Tây, Hòa Khánh, Thiện Trí, An Hữu, Mỹ Đức Đông, Thiện Trung, Mỹ Trung... Nhìn chung, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện tăng khá nhanh từ 1.404 ha năm 2018 lên hơn 9.500 ha năm 2023.

Do đây là cây có giá trị kinh tế cao nên người dân đã tự chuyển đổi từ cây trồng khác trên đất vườn và từ đất lúa kém hiệu quả. Qua theo dõi trong năm 2023, diện tích chuyển đổi chủ yếu chuyển từ cây ăn trái khác sang trồng cây sầu riêng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng nên khoảng 6 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Tý (xã Mỹ Hội) đã mạnh dạn bỏ lúa lên liếp để trồng sầu riêng. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 17,5 công sầu riêng; trong đó, có 5 công đã cho trái và 12,5 công được 2 năm tuổi. Theo ông Tý, sau khi trồng được 5 năm, vườn sầu riêng cho trái mùa đầu tiên với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/công. Thời gian qua, sầu riêng tiêu thụ rất tốt, đa số là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên mang lại thu nhập rất cao.

Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn Đông (xã Hậu Thành) quyết định chuyển 1 ha lúa sang trồng sầu riêng. Đến nay, gia đình ông đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho vườn sầu riêng hơn 1 ha của gia đình. Ông Đông cho biết: “Đất ruộng tại khu vực của tôi nằm trong ô đê bao nên đảm bảo việc trồng sầu riêng. Cây sầu riêng phát triển rất tốt, không thua ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1. Vụ này là lứa đầu tiên để trái nên năng suất không cao, nhưng nhờ được giá”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, thời gian qua, hệ thống thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện chủ yếu thông qua các thương lái đến thu mua tận nơi và cân bán tại vườn.

Hình thức tiêu thụ sầu riêng được nông dân lựa chọn là bán cho thương lái tại vườn theo hình thức “mua đứt bán đoạn” (khoảng 90%) theo từng đợt thu hoạch thông qua thỏa thuận miệng.

Tình hình tiêu thụ và giá cả thường không ổn định, phụ thuộc thị trường Trung Quốc và mùa vụ trong năm; mua bán chủ yếu thông qua thương lái.

Một số HTX đã có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao. Đối với số diện tích được cấp MSVT thì doanh nghiệp liên kết thu mua đạt khoảng 40% - 50% diện tích.

Có thể nhận thấy, lợi nhuận cao chính là yếu tố hấp dẫn nông dân. Theo thống kê, hiệu quả kinh tế trong sản xuất sầu riêng cao gấp 17 lần so với trồng lúa. Do đó, thời gian gần đây, nhiều người dân đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây sầu riêng.

Theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Tân, thời gian qua, do hiệu quả kinh tế từ cây ăn trái mang lại cao nên người dân đã chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa. Trên cơ sở các văn bản của ngành Nông nghiệp và UBND huyện Cái Bè về việc cho phép chuyển đổi cây trồng, UBND xã đã đưa vào kế hoạch để người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Đến cuối năm 2023, toàn xã đã chuyển đổi khoảng 1.200 ha từ đất lúa; trong đó, chuyển sang trồng cây sầu riêng khoảng 850 ha, với khoảng 340 ha sầu riêng đang cho trái. Các ô đê bao cơ bản kiểm soát được lũ, triều cường nên thuận lợi cho việc chuyển sang trồng cây ăn trái.

TẬP TRUNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, để phát triển cây sầu riêng, thời gian qua, địa phương đã tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân trồng sầu riêng đã áp dụng hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước đạt 100% diện tích; hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động đạt 10% diện tích.

Lãnh đạo UBND huyện Cái Bè khảo sát tình hình quản lý dịch bệnh trên cây sầu riêng.
Lãnh đạo UBND huyện Cái Bè khảo sát tình hình quản lý dịch bệnh trên cây sầu riêng.

Với cách làm này, nhà vườn có thể tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, phân, thuốc, giúp cây phát triển tốt và tiết kiệm được nguồn nước trong giai đoạn biến đổi khí hậu. Huyện cũng đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Năm 2023, huyện triển khai thực hiện 16 mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 254,96 ha/16 mô hình.

Hằng năm, ngành Nông nghiệp đều xây dựng kế hoạch tập huấn, hội thảo và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây ăn trái, chủ yếu trên cây sầu riêng. Ngoài ra, địa phương còn tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn xây dựng MSVT, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.

Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè Đặng Văn Tung, để phát triển bền vững cây sầu riêng, trong thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện các đề án, dự án phát triển cây sầu riêng của tỉnh trên địa bàn huyện.

Một trong những vấn đề quan trọng là tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền trong huyện về quản lý phát triển cây sầu riêng theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hằng năm của huyện và kế hoạch sử dụng đất.

Ngành Nông nghiệp huyện sẽ tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong chăm sóc và quản lý sâu, bệnh trên cây sầu riêng, thích ứng với hạn, mặn. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng chung một quy trình sản xuất và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm đồng đều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; vận động nông dân thu hoạch sầu riêng đủ độ chín.

Huyện Cái Bè sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đề nghị cấp MSVT, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 70% diện tích sầu riêng từ 3 năm tuổi trở lên được cấp MSVT. Đặc biệt là cộng đồng trách nhiệm trong duy trì vùng trồng được cấp mã số.

Cũng theo đồng chí Đặng Văn Tung, trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai các chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng theo Nghị quyết 98 của Chính phủ và Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Tiền Giang.

Địa phương sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực quản trị của HTX trong việc thu mua, liên kết với các doanh nghiệp trong huyện đã được cấp mã số cơ sở đóng gói, kể cả các doanh nghiệp, công ty ngoài huyện tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.

Ngoài ra, địa phương sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP từ trái sầu riêng gắn với các chủ thể là HTX và doanh nghiệp.

ANH THƯ

.
.
.