.

Những cơn "địa chấn" của giá vàng

Cập nhật: 15:08, 11/04/2024 (GMT+7)

(ABO) Thị trường vàng những ngày qua chứng kiến những biến đổi rất khó lường, xuất hiện những đợt tăng giảm liên tục, nhưng nhìn chung đà tăng vẫn chiếm ưu thế hơn.

Cao điểm vẫn bắt đầu từ diễn biến của vàng miếng SJC rồi kéo theo vàng nhẫn. Đặc biệt, thị trường vàng trong nước 3 ngày qua giá tăng khá mạnh, lực mua chiếm áp đảo. Điểm đặc biệt hơn là vàng nhẫn 9999 hiện được mua nhiều hơn vàng miếng SJC do giá vàng nhẫn sát giá thế giới hơn.

Điểm đáng chú ý hơn, giá vàng nhẫn trong nước đang cao hơn vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng, còn vàng SJC vẫn cao hơn 14-15 triệu đồng/lượng. Cụ thể cho thấy, giá giao dịch trong ngày 11-4, vàng SJC trong nước ở ngưỡng 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng nhẫn quanh ngưỡng 74,3 - 77,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.

Nếu theo dõi sát thị trường vàng gần đây mới thấy, vàng nhẫn hiện đang có xu hướng biến động nhanh. Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường vàng nhẫn thay đổi nhanh chóng có phần nằm ở khía cạnh người dân có tâm lý mua tích trữ, đặc biệt trong bối cảnh đang hướng tới sửa Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng.

Tất nhiên thị trường vàng trong nước phần nhiều vẫn chịu tác động rất lớn từ thị trường vàng thế giới. Thời gian qua, giá vàng thế giới cũng có những cơn “địa chấn” khi liên tục lập đỉnh, chốt phiên giao dịch ngày 10-4, giá vàng thế giới đã chạm ngưỡng 2.346,2 USD/ounce.

v
Thị trường vàng trong nước gần đây chứng kiến nhiều đợt biến động giá.

Nhìn vào lịch sử, thị trường vàng trong nước cũng từng có những cơn “địa chấn”. Cứ cách vài năm, thị trường lại xuất hiện những đợt biến động lớn. Chẳng hạn, chốt phiên giao dịch sáng ngày 6-8-2020, vàng SJC cán mốc mới khi chạm đỉnh 60 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng giãn cách khá lớn, dao động ở mức hơn 1,2 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng đã tăng gần 35% so với mức giá giai đoạn đầu năm 2020. Giá vàng trong nước tăng là do tác động của giá vàng thế giới. Bởi chốt phiên giao dịch cuối ngày 5-8-2020, giá vàng thế giới đã vượt lên mức 2.041 USD/ounce. Mức giá vàng thế giới cũng đã chạm đỉnh cao sau rất nhiều năm duy trì ở mức tương đối thấp, ít nhất trong khoảng 10 năm qua.

Trước đó vài năm, chốt giá vào ngày 22-7-2015, giá giao dịch vàng SJC xoay quanh 33 triệu đồng/lượng. Với mức này, giá vàng đã giảm trên 5 triệu đồng mỗi lượng và trở thành mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua. Tại thời điểm này, phân tích của các chuyên gia trong ngành đều đưa ra nhận định, trong ngắn hạn giá vàng thế giới còn giảm, khả năng về dưới mốc 1.100 USD/ounce nên cũng không ai dám mua vàng vào để chịu lỗ.

Nhìn từ thực tiễn cũng cho thấy, để quản lý thị trường vàng, trước đó Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng, ban hành ngày 3-4-2012, có hiệu lực vào ngày 25-5-2012 cũng ra đời. Một trong những điểm quan trọng được quy định trong Nghị định 24 là Nhà nước thống nhất độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân khi trao đổi, mua bán vàng miếng, kể cả những loại vàng miếng đã được sản xuất trước thời điểm Nghị định số 24 được ban hành. Đồng thời, cái hay của Nghị định số 24 là quy định rõ ràng về điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thị trường vàng đã trải qua những cơn "địa chấn" khá lớn, đặc biệt là diễn biến của những tháng đầu năm 2024. Nhiều giải pháp quản lý thị trường vàng cũng đã được đưa ra, trong đó có cả hướng đến việc sửa Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, cũng như các đợt biến động trước đây, bên cạnh tác động của thị trường vàng thế giới, yếu tố tâm lý của người dân cũng góp phần rất lớn tạo nên những làn sóng của giá vàng gần đây. Nhìn từ khía cạnh khác, khi các kênh đầu tư khác như ngân hàng, kinh doanh bất động sản… khó sinh lợi cao, kinh doanh vàng cũng trở thành một trong những kênh ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư.

TA

.
.
.