Phục dựng chợ nổi hay để 'chết 1 cách đẹp đẽ'?
Tiếp nối hành trình xuôi dòng Mekong bên lề cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”, tại buổi toạ đàm thứ 2, các diễn giả lại cùng nhau thảo luận, mong muốn góp lên tiếng nói để giữ gìn, phát triển chợ nổi - nét đặc sắc của vùng đất Chín Rồng.
Buổi toạ đàm diễn ra sáng ngày 20-4 với chủ đề “Để chợ nổi không chìm” do Kênh VOV Giao thông và Mekong FM chủ trì nằm trong chuỗi các hoạt động đồng hành cùng cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" của VietNamNet tổ chức.
“Chợ nổi tồn tại như 1 xác sống”
Chủ trì tọa đàm, ông Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông và Mekong FM mong các nhà quản lý và những chuyên gia nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học… đưa ra nhìn nhận một cách thẳng thắn về giá trị văn hoá, kinh tế, du lịch của chợ nổi vùng đất Chín Rồng trong quá khứ và hiện tại.
Ông Phạm Trung Tuyến (ngoài cùng bên phải) chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh: Nguyễn Huế |
Là người đầu tiên đưa ý kiến, ông Đoàn Hữu Đức - Phó Chủ tịch Uỷ ban kinh tế số và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam nhìn nhận: “Nói về số phận của chợ nổi, tôi phải xót xa thú nhận rằng, chợ nổi đang hoạt động như một xác sống, nó không tồn tại một cách tự nhiên nữa. Đường cao tốc dài ra, đường sông sẽ ngắn đi. Người ta xây bờ kè, làm con đường chạy dọc theo bờ kè khiến chợ nổi ngày càng tồn tại khó khăn hơn”.
Ông lấy ví dụ như chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) từ khi được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2016, đến nay đang có nguy cơ “chìm đi từ từ”. Hiện khu vực đó chỉ còn chưa tới 20 chiếc thuyền và chủ yếu duy trì nhờ ngân sách của chính quyền địa phương.
Ông Đoàn Hữu Đức - Phó Chủ tịch Uỷ ban kinh tế số và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Huế |
Diễn giả Nghiêm Bá Hưng, Giám đốc Cty tư vấn phát triển Peapros nhìn nhận chợ nổi với nhiều thay đổi mâu thuẫn lẫn nhau, khiến nó có nguy cơ bị ‘chìm’. Sai lệch có thể nhìn thấy rõ là khái niệm chợ nổi là của ai và dành cho ai.
Ông phân tích, chợ nổi của ngày xưa, của những năm trước là của thương hồ, của người dân làm ra sản phẩm đem ra buôn bán, trao đổi hàng hoá. Còn bây giờ, chợ nổi hoàn toàn dành cho du lịch. Rõ ràng, cách sắp xếp chợ nổi ngày xưa không còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa.
Chợ nổi mang thấm đẫm tính văn hóa vùng miền. Bây giờ phức cảm dòng sông của người trẻ không còn nữa thì tính văn hoá trong chợ cũng mai một dần.
Đó là những lý do chính khiến chợ nổi ngày càng "chìm" đi.
Diễn giả Nghiêm Bá Hưng, Giám đốc Cty tư vấn phát triển Peapros. Ảnh: Nguyễn Huế |
Phục dựng chợ nổi hay để 'chết một cách đẹp đẽ'?
Trước ý kiến cho rằng chợ nổi tồn tại như một xác sống, ông Phạm Trung Tuyến đặt ra vấn đề tại tọa đàm: Vậy có nên phục dựng chợ nổi hay để nó “chết một cách đẹp đẽ”?
Doanh nhân Lê Kiên Thành (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Nguyễn Huế |
Doanh nhân Lê Kiên Thành kể chuyện từng du lịch sang Kenya. Họ dẫn ông đến những ngôi làng có người dân sống trong những căn nhà chật chội, được làm bằng phân bò.
“Tôi không hiểu họ cho mình vào đó xem như vậy có mục đích gì? Tôi cảm thấy xót xa với hình ảnh đập vào mắt này chứ không thấy hay gì cả. Bây giờ, người ra đi lên mặt trăng vũ trụ rồi mà vẫn còn những người sống trong những căn nhà như thế này. Buổi sáng, người dân chọc que vào mạch máu của con bò để uống tiết rồi đi làm. Cuộc sống như thế. Nhưng những người khác từ một chỗ văn minh hơn xuống chứng kiến thì thích thú cái đó".
Ông Thành nhìn nhận câu chuyện trên "cũng giống như chợ nổi, ở đâu sẽ có nguy cơ làm ô nhiễm khúc sông đó". Những chiếc thuyền nơi người dân khu chợ nổi sinh sống chụm vào nhau trông thì rất đẹp, rất nên thơ nhưng ở đó trẻ con không đi học được, người ốm đau khó khăn đến bệnh viện.
"Vậy chúng ta có nên giữ chợ nổi không? Nếu nó tự mất đi, nghĩa là người dân không cần nữa, cuộc sống của họ ổn định hơn", ông Thành nêu vấn đề.
TS. Dương Đức Minh - Viện phó Viện Kinh tế và du lịch lại cho rằng cần phải hồi sinh chợ nổi bởi mô hình này phân bố ở 8/13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khi nhắc đến vùng đất Mekong, có hai từ rất thân thương là miệt vườn và miệt thứ. Cả hai đều xuất hiện không gian sinh thái chợ nổi. Như vậy, chợ nổi được sinh ra từ câu chuyện kết tinh trí tuệ lao động Việt Nam, đặc biệt là là những thương dân sinh sống trên vùng đất này. Khi Chợ nổi là sản phẩm dẫn dắt rất nhiều cảm xúc cho khách quốc tế đến tham quan.
Chợ nổi là thành quả, sự kết tinh trí tuệ để ứng phó với 28.000 km kênh rạch khác nhau, trong đó có 13.000 km đường sông và kênh rạch có thể vận tải được của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khách mời tham gia toạ đàm "Để chợ nổi không chìm". Ảnh: Nguyễn Huế |
Đồng quan điểm trên, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt - Chủ đầu tư dự án phục dựng chợ nổi Tân Phong chia sẻ, với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm ông nhận thấy khách lần đầu trải nghiệm nếu đi Hà Nội, họ sẽ đi thêm Hạ Long, Sa Pa, những nơi khác có thời gian thì họ mới đi.
Tương tự họ đến Đà Nẵng thì sẽ đến Huế, Hội An. Đến TP.HCM thì đi địa đạo Củ Chi hoặc Mekong. Chính vì thế, vị chuyên gia này cảm thấy rất xót xa nếu chợ nổi mất đi.
“Tôi đặt ra mục tiêu, sứ mệnh cho bản thân là phải phục dựng lại cho bằng được chợ nổi, bằng bất cứ giá nào”, ông Xuân Anh khẳng định.
Tái hiện chợ nổi không thể chỉ dựa vào vài chiếc xuồng, ghe chụm lại
Góp thêm tiếng nói từ thực tế của địa phương, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long nhận định, ‘chợ nổi không chìm’ phải đi đôi với các yếu tố phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Nguyễn Huế |
“Muốn tái hiện lại chợ nổi đúng không gian ngày xưa sẽ rất khó. Chúng ta cũng không thể tái hiện lại mà chỉ mang vài chiếc xuồng, đặt vài trái cây chụm lại với nhau trên một khúc sông. Cơ quan quản lý cũng nhức đầu về vấn đề này. Vĩnh Long trước đây có khu chợ nổi Trà Ôn rất nổi tiếng nhưng chắc chắn sẽ không làm lại được. Hiện có một doanh nghiệp cũng đề xuất làm, nhưng chỉ làm mé sông thôi, không thể đưa ra giữa bờ được”, vị giám đốc này chia sẻ.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Giàu cho biết, các địa phương đều cố gắng bảo tồn chợ nổi song hành cùng phát triển kinh tế du lịch để mọi người biết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ hàng hoá như thế.
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Focus Travel và Chủ tịch bến du thuyền Ana Marina. Ảnh: Nguyễn Huế |
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Focus Travel và Chủ tịch bến du thuyền Ana Marina nhận định, muốn phát triển chợ nổi bây giờ thì không nên đặt nặng mục tiêu sinh kế cho người dân, mà nên xem xét chợ nổi như một không gian du lịch. Phía sau không gian du lịch sẽ là những người làm du lịch kiếm lợi được sẽ trích một phần lợi nhuận tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho những người làm phục vụ ngành du lịch. Phần khác sẽ tái cơ cấu phát triển hạ tầng cho du lịch để mở rộng phát triển, nâng chất lượng sản phẩm.
Theo vietnamnet.vn