Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:23 (GMT+7)
.

Tiền Giang nỗ lực cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC

Hiện nay, cả nước đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Thời gian còn lại là rất ngắn, do đó tỉnh Tiền Giang cũng đang quyết tâm cùng cả nước chung tay tháo gỡ thẻ vàng EC. Về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn.

* PV: Trước hết, xin đồng chí cho biết, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai các giải pháp, công việc gì để chống khai thác IUU?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Thời gian qua, Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản 81 ngày 20-3-2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống IUU; các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh…

Đồng thời, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.

Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ. Tỉnh đã thực hiện tốt về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá (100% tàu cá hoạt động được kiểm tra đủ điều kiện, được kiểm soát hằng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá...).

Đồng thời, thực hiện tốt, đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác (không có hồ sơ sai sót phải giải trình). Tiền Giang đã triển khai đồng bộ phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm minh bạch thông tin tại địa phương.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm được đảm bảo (xác minh, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định).

* PV: Hiện nay, công tác triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn gì?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Hiện nay, vẫn còn tình trạng mua bán tàu cá không tuân thủ theo quy định của pháp luật như: Chưa thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ, xóa/đăng ký lại tàu cá (49 tàu bán ngoài tỉnh).

Do vướng quy định đặc thù tại các tỉnh, gây khó khăn cho việc quản lý chống khai thác IUU. Lực lượng Kiểm ngư địa phương chưa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản gặp khó khăn trong thời gian tới.

Tỉnh Tiền Giang đang triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Tỉnh Tiền Giang đang triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.

* PV: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp gì để chống khai thác IUU, cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Tiền Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách của tỉnh cần tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương. Tiền Giang sẽ tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, phổ biến cho tất cả các đối tượng là tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản: Chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, các nậu, vựa thu mua, chế biến thủy sản…; công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng…nắm rõ phạm vi vùng biển Việt Nam, kể cả các vùng biển chồng lấn chưa phân định được.

Trong đó, xác định cấp xã/phường/thị trấn là lực lượng nòng cốt trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU. Một trong những giải pháp quan trọng là yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã/phường/thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”.

Đồng thời, có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tiền Giang sẽ quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác của tỉnh. Tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh; xác định được tình trạng hoạt động, vị trí neo đậu và giám sát chặt chẽ theo quy định. Tỉnh sẽ tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với tàu cá chưa đăng ký tại địa phương, đảm bảo 100% tàu cá đi hoạt động khai thác phải được đăng ký, đăng kiểm còn hạn, đánh dấu nhận biết, cấp phép, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và mở tín hiệu 24/24 giờ từ khi rời cảng đến khi về bến.

Để phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ bền vững, Tiền Giang sẽ phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tổ chức triển khai Quyết định 1090 ngày 19-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030; Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 208 ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng tới nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức thực hiện khảo sát và rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.

Một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa theo mô hình tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế rủi ro gặp phải khi hoạt động trên biển. Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới như: Kỹ thuật bảo quản sản phẩm trên tàu cá, kỹ thuật khai thác thủy sản để tăng năng suất, tăng hiệu quả và nâng cao giá trị các sản phẩm khai thác. Đồng thời, tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Tỉnh sẽ hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển…

Tỉnh sẽ theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và quản lý, kiểm soát 100% tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng cá.

Trong đó, thực hiện nghiêm việc ghi, nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng tàu cá cập cảng đảm bảo đúng quy định. Tiền Giang sẽ thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc; triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm minh bạch thông tin.

Tiền Giang sẽ thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xác minh, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định; tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.

Tỉnh sẽ củng cố, truy tố xét xử hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nuớc ngoài (nếu có). Đồng thời, tăng cường hoạt động của lực lượng Kiểm ngư trong việc tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu nguy cơ cao, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm IUU.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

T. ĐẠT

(thực hiện)

.
.
.