Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL: Liên kết phát triển bền vững
Năm 2023, các tỉnh trong Tiểu vùng Duyên hải phía Đông (gọi tắt là Tiểu vùng) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh đã tích cực triển khai các nội dung hợp tác đã ký kết và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2024, các tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều nội dung hợp tác trọng tâm trên các lĩnh vực.
LIÊN KẾT HỢP TÁC TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC
Theo Ban Điều hành Đề án Liên kết Tiểu vùng, trong năm 2023, UBND các tỉnh trong Tiểu vùng tiếp tục thực hiện các nội dung liên kết theo Biên bản ghi nhớ. Trong đó, các địa phương đã tập trung liên kết trong công tác lập, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; liên kết phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; xúc tiến mời gọi đầu tư, thương mại, du lịch; xây dựng các chương trình, dự án chung của Tiểu vùng.
Tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Cầu Rạch Miễu 2. |
Trong năm 2023, các tỉnh trong Tiểu vùng đã phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, trao đổi, có ý kiến các nội dung liên quan trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của từng tỉnh phù hợp với định hướng phát triển vùng ĐBSCL.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 4 tỉnh trong Tiểu vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức công bố theo quy định. Các tỉnh trong Tiểu vùng đã tăng cường liên kết, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể là đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2025 trên nhiều lĩnh vực.
Trong năm 2023, 4 tỉnh Tiểu vùng thu hút được 42 dự án, gồm 31 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án nước ngoài. Điển hình như 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện Dự án Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống tuyến ống truyền tải, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng.
Dự án nhằm cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch, đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho sản xuất, sinh hoạt khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn khu vực các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Tại hội nghị đánh giá kết quả liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng năm 2023 và phương hướng năm 2024, 4 tỉnh trong Tiểu vùng đã thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung liên kết theo Biên bản ghi nhớ, các nhiệm vụ giải pháp tại Kế hoạch của Ban Điều hành Đề án Liên kết Tiểu vùng. Các tỉnh trong Tiểu vùng tiếp tục phối hợp đề xuất các nội dung liên kết và xây dựng kế hoạch liên kết năm 2024. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 4 tỉnh. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng có tính chất liên tỉnh, liên huyện giữa các tỉnh; về thích ứng biến đổi khí hậu; vận hành khai thác các công trình thủy lợi; các lĩnh vực, hoạt động về du lịch, xúc tiến đầu tư, thương mại… |
Các tỉnh trong Tiểu vùng tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật tiên tiến đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, các dự án có tính chất liên kết vùng; thường xuyên phối hợp với nhà đầu tư, cơ quan thuộc Trung ương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn như: Cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Cổ Chiên 2, cầu Đình Khao, Dự án Tuyến đường bộ ven biển (kết nối tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh).
Cũng trong năm 2023, các tỉnh trong Tiểu vùng còn phối hợp xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đa dạng và hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển thông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang đã chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh cùng Đoàn chuyên gia của Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL có buổi làm việc, trao đổi đề xuất các hoạt động liên kết hỗ trợ trong phát triển ngành hàng dừa.
Các tỉnh còn xây dựng vùng nguyên liệu nghêu; trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững… Một trong những nội dung quan trọng là liên kết phối hợp chia sẻ thông tin, kết nối việc làm giữa các tỉnh; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
CHỦ ĐỘNG PHỐI HỢP, LIÊN KẾT CHIA SẺ THÔNG TIN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, với vai trò là Trưởng ban Điều hành Đề án năm 2024, tỉnh Bến Tre sẽ cố gắng duy trì, phát huy những kết quả đã thực hiện theo Kế hoạch thực hiện Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng năm 2023 đã đề ra.
Các tỉnh trong Tiểu vùng ký kết biên bản ghi nhớ nội dung liên kết trong năm 2024. |
Đồng thời, tiếp tục triển khai có kết quả đối với các hoạt động còn dang dở, chưa hoàn thành. Bến Tre sẽ nỗ lực cùng 3 tỉnh đưa hoạt động liên kết Tiểu vùng đi vào thực chất, chất lượng, hiệu quả, có sản phẩm công việc cụ thể.
Nhằm góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong Tiểu vùng, thực hiện được các mục tiêu, nội dung đã ký kết, đồng chí Nguyễn Minh Cảnh rất mong 4 tỉnh trong Tiểu vùng sẽ gắn kết, thắt chặt hơn nữa trong triển khai các công việc, hoạt động liên kết, kết nối.
Điều này nhằm để tất cả đều đạt được kết quả như mong muốn, giúp Tiểu vùng trở thành khu vực phát triển bền vững, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và phát triển tại đây.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng năm 2023 và phương hướng năm 2024 vào chiều 12-4, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong năm 2024, các tỉnh trong Tiểu vùng tiếp tục phối hợp hợp tác liên kết trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh; xúc tiến đầu tư; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh; liên kết kêu gọi đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…
Năm 2024, các tỉnh thống nhất tiếp tục thực hiện nội dung liên kết đã ký đảm bảo hiệu quả tốt hơn, khắc phục 4 hạn chế. Các sở, ngành chuyên môn của các tỉnh trong Tiểu vùng chủ động phối hợp, liên kết chia sẻ thông tin để tham mưu UBND các tỉnh thực hiện.
Các tỉnh trong Tiểu vùng cần thống nhất những nội dung đề xuất với bộ, ngành Trung ương và Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL có liên quan đến 4 tỉnh, kể cả ĐBSCL. Các dự án trong kế hoạch liên kết phải tiếp tục thực hiện; trong đó Tiền Giang mong muốn có dự án mang tính chất chung là cống ngăn mặn trên sông Hàm Luông để trữ ngọt cho các tỉnh trong Tiểu vùng và ĐBSCL.
ANH THƯ