Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là đề xuất của nhiều doanh nghiệp xăng, dầu và chuyên gia tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng, dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức ngày 14-5, tại Hà Nội.
Từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG). Như tên gọi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để người tiêu dùng không bị chịu thiệt thòi như hiện nay. Bản chất Quỹ là tiền của người tiêu dùng góp vào. Người tiêu dùng không tiếp cận và xử lý được thông tin về việc lập và sử dụng Quỹ mặc dù có quy định cho tất cả doanh nghiệp phải công khai nhưng không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả Quỹ này. Việc lập Quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.
Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Quang cảnh hội thảo. |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.
"Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, có những trường hợp “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì rút quỹ ra xài, những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ như tình trạng Thương nhân đầu mối lợi dụng như Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó"-chuyên gia Ngô Trí Long nêu rõ.
Đứng về phía doanh nghiệp xăng dầu, quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ quan chức năng có những lúc có hiện tượng để cho quỹ âm, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Do vậy, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Theo đó, để bình ổn thị trường xăng dầu, cần có công cụ khác; chẳng hạn như thuế, hay công cụ bảo hiểm giá và phải đưa vào nghị định, nhằm phòng ngừa rủi ro khi giá thế giới biến động như cách các nước phát triển đang làm.
Theo qdnd.vn