Thứ Tư, 01/05/2024, 14:36 (GMT+7)
.

Đơn hàng khởi sắc, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động

Sau thời gian khó khăn về đơn hàng, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có đơn hàng ổn định trở lại, nên có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để mở rộng sản xuất.

NHIỀU DN CÓ NHU CẦU TUYỂN LAO ĐỘNG

Tại hội nghị giao ban công tác Công đoàn quý I-2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hầu hết người lao động đã trở lại làm việc bình thường sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2024.

Khi có đơn hàng trở lại, các DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động (ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy).
Khi có đơn hàng trở lại, các DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động (ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy).

Đầu năm, một số DN trên địa bàn thị xã có sự dịch chuyển lao động, với khoảng 200 lao động nghỉ việc. Hiện các công ty đang có nhu cầu tuyển lao động như Công ty TNHH May mặc Ecotank 300 công nhân, Công ty cổ phần May Việt Tân 500 công nhân, Công ty TNHH NT Hồng Ân 50 công nhân và một số DN khác cũng có nhu cầu tuyển lao động nhưng không tuyển được.

Theo Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Chiến, các DN lớn đều có đơn hàng trở lại, ổn định. Hiện có khoảng 60% - 70% các DN có đơn hàng, đầu ra đến quý III, quý IV năm 2024. Nhu cầu tuyển dụng lao động ở các DN rất lớn nhưng việc tuyển đủ số lượng để thực hiện các đơn hàng sản xuất thì rất khó.

Chủ tịch CĐ ngành Công thương tỉnh Tiền Giang Nguyễn Xuân Dũng cũng cho biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, Công ty cổ phần May Mỹ Tho cần tuyển thêm 200 lao động nhưng từ đầu năm đến nay tuyển chưa được 10 lao động, trong khi đó đã có 20 lao động của công ty nghỉ việc. Còn Công ty cổ phần May Tiền Tiến có nhu cầu tuyển khoảng 300 lao động, tuy nhiên không có lao động, kể cả lao động không tay nghề để tuyển.

Chị Nguyễn Lệ Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Công nhân mới được công ty trả lương cơ bản 4,6 triệu đồng/người/tháng, chưa có tay nghề được công ty đào tạo; có nhiều chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp... nhưng vẫn không tuyển đủ nhu cầu, giờ tuyển công nhân còn khó hơn tuyển nhân viên văn phòng.

Trong khi  hàng nhiều, mà lao động thì không có. Hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay là may mặc và giày da luôn trong tình trạng thiếu nhân công. Hiện nay, khá nhiều lao động có xu hướng “nhảy việc” sang lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn khiến nhiều DN may mặc, giày da chỉ hoạt động quá nửa công suất. Nhiều DN có quy mô mở rộng thêm, muốn tuyển dụng lao động lại không có nguồn để tuyển”.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TX. Cai Lậy Nguyễn Tiến Dũng, qua khảo sát, công nhân trên địa bàn nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định; một số công nhân nghỉ chuyển sang một số công ty thực hiện pháp luật lao động chưa nghiêm (không ký hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn), lao động tự do ở nhà, làm vườn…

Còn chị Nguyễn Lệ Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho biết, thường người lao động nghỉ, “nhảy việc” vì thích làm chỗ không đóng bảo hiểm xã hội để lãnh bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần… khiến DN càng khó khăn về nguồn lao động.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, trong quý I-2024, qua thống kê có 113 lượt đơn vị, DN đăng ký tuyển dụng lao động, với tổng nhu cầu 3.804 vị trí lao động, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu quý II-2024, một số DN ngành may mặc, ba lô, túi xách và chế biến thủy hải sản có đơn hàng trở lại nên có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông. Các DN đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị đăng ký tham gia các hoạt động giao dịch việc làm để tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng lao động.

Về trình độ tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 28,11%, trong đó lao động trình độ trung cấp chiếm 5,97%, cao đẳng 1,47%, đại học trở lên 4,13% và sơ cấp/chứng chỉ đào tạo 16,54%, tập trung ở các nhóm ngành kinh tế, kế toán, ngoại ngữ, điện, cơ khí…

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 71,89%, chủ yếu là tuyển dụng công nhân các ngành may mặc, giày da, ba lô, túi xách và chế biến thủy sản. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều tại một số DN trong các khu, cụm công nghiệp: Long Giang, Tân Hương, Tân Mỹ Chánh, Trung An và một số DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động ở khu vực Cai Lậy, TP. Mỹ Tho, các huyện Chợ Gạo, Châu Thành.

Trong các khu, cụm công nghiệp, các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động như: Công ty TNHH Pungkook Bến Tre - chi nhánh Mỹ Tho (tuyển 500 lao động); Công ty cổ phần Taekwang Vina (tuyển 500 lao động); Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (tuyển 300 lao động); Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (tuyển 150 lao động); Công ty cổ phần May Sông Tiền (tuyển 150 lao động); Công ty TNHH Công nghiệp Yegin Việt Nam (tuyển 250 lao động), Công ty TNHH Công nghiệp Bellinturf Việt Nam (tuyển 500 lao động).

Về tuyển dụng lao động ngoài khu, cụm công nghiệp, các DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh như: Công ty TNHH Song Seng Tiền Giang (tuyển 500 lao động), Công ty TNHH MTV XNK Mỹ Tho (tuyển 250 lao động), Nhà máy Chế biến nông thủy sản xuất khẩu An An (tuyển 200 lao động), Công ty TNHH Choi&Shin Vina (tuyển 150 lao động), Công ty TNHH Phúc Minh Tiền Giang (tuyển 200 lao động), Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Kim (tuyển 200 lao động), Công cổ phần Tex-Giang chi nhánh Chợ Gạo (tuyển 800 lao động).

GIẢI PHÁP TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG

Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Chiến cho biết: “CĐ các Khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn Công đoàn cơ sở các DN liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ công tác tuyển dụng. Đồng thời, đề xuất Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường phối hợp công tác thông tin tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng lao động tại các DN.

Trong Tháng Công nhân năm 2024, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tuyển dụng lao động của các DN thông qua lễ phát động, phiên chợ bán hàng giảm giá… để đưa thông tin tuyển dụng lao động rộng khắp đến người lao động có nhu cầu được biết”.

Nói về giải pháp cho bài toán tuyển dụng lao động, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Hoàng Khắc Tinh cho biết, đã chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp với các đơn vị liên quan thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của DN trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, trang mạng xã hội, nhất là trên hệ thống đài truyền thanh của các huyện, thành, thị và các xã, phường.

Đồng thời, hỗ trợ các DN thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh; tham gia các phiên chợ giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức định kỳ hằng tháng tại các địa phương.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Trung Tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được giao gần 3 tỷ đồng để thực hiện tổ chức các sàn giao dịch việc làm và TP. Mỹ Tho vừa khởi động tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm đầu tiên.

Nếu như trên địa bàn các huyện có nhu cầu tổ chức sàn giao dịch việc làm, thì phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để đăng ký về Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tổ chức sàn giao dịch việc làm.

Khi tổ chức sàn giao dịch việc làm cũng gặp khó khăn, do chỉ có DN có nhu cầu tuyển dụng, hoặc chỉ có học sinh, sinh viên hay công nhân đã có việc làm tham gia, mà có rất ít người lao động cần tìm việc. Cho nên, các địa phương hãy rà soát, khảo sát trên địa bàn nếu có người lao động có nhu cầu tìm việc làm, thì đăng ký với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

LÝ OANH

.
.
.