Tiền Giang: Hơn 20.400 ha cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng
(ABO) Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có 284 mã số vùng trồng (MSVT) cây ăn trái được cấp, với diện tích khoảng 20.444 ha.
Theo đó, có 72 MSVT mít, với diện tích hơn 8.626 ha; 80 MSVT thanh long, với diện tích khoảng 6.146 ha; 34 MSVT xoài, với diện tích hơn 1.608 ha; 12 MSVT vú sữa, với diện tích hơn 72 ha; 5 MSVT dưa hấu, với diện tích 819 ha; 3 MSVT chôm chôm, với diện tích hơn 388 ha; 2 MSVT nhãn, diện tích hơn 120 ha; 72 MSVT sầu riêng, với diện tích hơn 2.600 ha; 4 MSVT bưởi, với diện tích hơn 60 ha và 308 mã số cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy chế biến trái cây với quy mô khá lớn, đang hoạt động, với công suất chế biến 47.000 tấn/năm.
Tiền Giang đã và đang tập trung cấp và quản lý MSVT đối với cây sầu riêng. |
Cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với cây ăn trái được tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua, bởi đây là cơ sở quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường tiêu thụ nông sản lớn.
Đặc biệt, đối với cây sầu riêng, một trong những đặc sản mang lại giá trị kinh tế lớn, Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch cấp và quản lý MSVT đối với sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025.
Kế hoạch nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng, mở rộng và quản lý chặt chẽ các vùng trồng sầu riêng; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sầu riêng về tầm quan trọng của MSVT; lợi ích của việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo đó, Tiền Giang hướng mục tiêu đến năm 2025 cấp MSVT cho vùng sản xuất tập trung trên cây sầu riêng với tổng số 324 MSVT, với diện tích 14.469 ha.
TA