Tiền Giang: Nước ngọt vào nội đồng, nhà vườn phấn khởi
Xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang giảm. Do đó, các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 đã vận hành lấy bổ cấp nước ngọt vào các tuyến kinh nội đồng. Nhiều khu vực, nước ngọt đã vào mương vườn dồi dào, nông dân không còn phải bơm chuyền nước nên rất phấn khởi.
CÁC CỐNG TRÊN ĐƯỜNG TỈNH 864 VẬN HÀNH LẤY NƯỚC
Sau thời gian đóng ngăn mặn, các cống trên đường tỉnh 864 như: Rạch Gầm, Phú Phong… đã mở để vận hành lấy nước. Nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp dần trở lại dồi dào.
Nước ngọt vào mương vườn dồi dào, gia đình ông Đua không còn phải lo chuyện bơm chuyền. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện nay mặn đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm dần. Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Đài Khí trượng Thủy văn Tiền Giang mặn tăng nhẹ trong kỳ triều cường rằm tháng 3.
Sau đó, mặn tiếp tục giảm dần về phía cửa sông và tăng trở lại vào kỳ triều cường cuối tháng 3 (ngày 9, 10-5-2024) nhưng ở mức độ thấp. Độ mặn 1 g/l khả năng xâm nhập từ Cảng Du thuyền Mỹ Tho đến bến đò Bình Đức và khả năng không ảnh hưởng đến Vàm kinh Nguyễn Tấn Thành trở về phía thượng lưu.
Từ nhận định xâm nhập mặn nêu trên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước phía bên trong cống âu Nguyễn Tấn Thành do phải đóng ngăn mặn trong thời gian dài, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã có Công văn đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 - Bộ NN&PTNT vận hành mở cống âu Nguyễn Tấn Thành.
Vào ngày 2-5 vừa qua, cống âu Nguyễn Tấn Thành đã mở trở lại sau 2 tháng đóng phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Đây là “sự kiện” có ý nghĩa quan trọng đối với nông dân phía trong công trình. Bởi cống âu Nguyễn Tấn Thành mở sẽ bổ sung nguồn nước ngọt dồi dào cho các kinh, rạch nội đồng. Người dân không còn thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất hoặc phải tốn chi phí cho việc bơm chuyền.
NHÀ VƯỜN PHẤN KHỞI
Theo ghi nhận tại các xã sử dụng nước ngọt từ hệ thống của kinh Nguyễn Tấn Thành, nước đã bắt đầu vào nội đồng, hoạt động sản xuất của người dân dần trở lại bình thường.
Cống âu Nguyễn Tấn Thành mở giúp ông Châu rất phấn khởi, đỡ tốn chi phí cho việc bơm chuyền nước. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) trồng 3 công rau diếp cá. Năm 2020, xâm nhập mặn làm ruộng rau của gia đình thiệt hại gần như hoàn toàn. Theo ông Bảy, những năm gần đây, Nhà nước đã triển khai các đập ngăn mặn nên hoạt động sản xuất của gia đình không bị ảnh hưởng khi mùa hạn, mặn đến. Tuy nhiên, năm nay, mặn đến sớm và kéo dài hơn những năm trước.
Các cống đóng ngăn mặn lâu hơn nên nguồn nước trong các kinh dần cạn kiệt, làm khó khăn về nguồn nước tưới. “Mấy ngày qua, nghe Nhà nước mở cống Nguyễn Tấn Thành nên người dân mừng lắm. Nước ngọt vào nội đồng cũng nhiều hơn rồi, chắc vài ngày nữa là trở lại bình thường” - ông Bảy phấn khởi nói.
Còn tại xã Long Hưng (huyện Châu Thành), gần 2 tháng qua, ông Lê Quốc Đua (ấp Long Thuận A) đã phải đặt ống bơm nước từ rạch Ông Hổ vào mương vườn để tưới cho 6 công dừa Xiêm đã 6 năm tuổi. Theo ông Đua, khi cống âu Nguyễn Tấn Thành đóng, nước không vào được nội đồng. Do đó, các ao nước trong vườn của ông dần cạn kiệt.
Do chủ động từ những đợt hạn, mặn trước nên ông đã đặt sẵn máy bơm và dẫn ống bơm nước vào vườn nhà. Hơn 1 tháng qua, trung bình 2 ngày là ông Đua lại bơm nước vào mương vườn 1 lần (khoảng 4 giờ) để tưới cho vườn dừa. Nhờ vậy, vườn dừa của gia đình, năng suất tuy có giảm do nắng nóng, nhưng cây vẫn xanh tốt.
“3 ngày qua, cống Nguyễn Tấn Thành mở, nước đã bắt đầu tự chảy vào nội đồng không cần phải bơm nước như trước. Giờ đây, mương vườn của gia đình đã đầy nước như trước. Qua đó, tôi cũng tiết kiệm được tiền điện so với những tháng trước” - ông Đua chia sẻ.
Tương tự ông Đua, gần 2 tháng qua, gia đình ông Nguyễn Hồng Châu (ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng) cũng phải lắp ống và máy bơm nước từ kinh lớn vào nội đồng để tưới cho hơn 7 công vườn và rau màu của gia đình.
Ông Châu cho biết, từ những mùa hạn trước, ông đã lắp hệ thống bơm chuyền và hệ thống tưới gần 20 triệu đồng nhằm duy trì sản xuất trong mùa hạn, mặn. Sản xuất được duy trì, nhưng tiền điện hằng tháng trong giai đoạn đóng cống âu Nguyễn Tấn Thành tăng mạnh.
Ông Châu chia sẻ: “Những ngày qua, kinh Nguyễn Tấn Thành đã lấy nước ngọt trở lại, nhưng con nước chưa lớn nên nước chưa vào nội đồng nhiều. Hy vọng con nước cuối tháng này, nước lên cao sẽ đẩy nước ngọt vào nội đồng nhiều hơn. Từ đó, vườn sẽ đủ nước tưới, không cần bơm chuyền và tiết kiệm được chi phí”.
Theo thống kê của UBND xã Long Hưng, toàn xã có diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 960 ha, chủ yếu là cây ăn trái. Nước phục vụ sản xuất trên địa bàn xã chủ yếu lấy từ tuyến kinh Nguyễn Tấn Thành. Những ngày qua, kinh Nguyễn Tấn Thành lấy nước trở lại đẩy nước vào nội đồng nên tình hình sản xuất của người dân dần ổn định trở lại.
Được biết, trước đó, UBND xã Long Hưng triển khai 20 điểm bơm chuyền tại 9 ấp của xã để kịp thời cấp nước cho người dân trong thời gian cống Nguyễn Tấn Thành đóng ngăn mặn.
C. THẮNG - T. ĐẠT