Thứ Sáu, 24/05/2024, 09:33 (GMT+7)
.

TX. Cai Lậy: Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa

Từ Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên nền đất lúa, hình thành vùng sản xuất tập trung phía Bắc Quốc lộ 1, những năm qua, nông dân trên địa bàn TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập.

TỔ CHỨC CHUYỂN GIAO KHOA HỌC, KỸ THUẬT VỀ TRỒNG CÂY ĂN TRÁI

Năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của thị xã là hơn 115 ha; trong đó, chuyển sang trồng cây hằng năm hơn 19,4 ha, cây lâu năm hơn 95,7 ha và không có diện tích trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Phần lớn thực hiện chuyển đổi suốt 3 vụ sản xuất trong năm và lâu dài. Đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm với diện tích hơn 19,4 ha chủ yếu chuyển đổi liên tục 3 vụ trong năm với các loại cây trồng như: Rau nhút, bầu, bí, dưa và các loại rau, đậu… ở các xã: Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây.

HÀ NAM
TX. Cai Lậy ưu tiên những cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm với diện tích 95,73/82,6 ha so với kế hoạch với các loại cây trồng như: Mít, sầu riêng, dừa, bưởi... Trong đó, diện tích chuyển đổi theo kế hoạch được phê duyệt 63,6 ha. Hiện nay, trên địa bàn thị xã không có trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản; diện tích chuyển đổi chủ yếu từ trồng lúa sang nuôi ương giống thủy sản.

Để giúp nông dân an tâm sản xuất, thời gian qua, Hội Nông dân từ thị xã đến cơ sở kết hợp Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX. Cai Lậy tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăm sóc và trồng cây ăn trái, nhằm giúp nông dân nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng cây ăn trái trên từng loại đất cho phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đồng thời quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây ăn trái ở địa phương. Đối với các tuyến ô bao khép kín, khuyến khích nông dân chuyển đổi đồng loạt trên các diện tích liền kề tránh trường hợp manh mún, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và ảnh hưởng đến những hộ sản xuất lúa.

Trưởng Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy Lê Chí Thanh cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp của thị xã chú trọng việc tuyên truyền phổ biến các quy định về điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa theo quy định, về quy hoạch sản xuất ngành, kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa của địa phương để tránh việc chuyển đổi ồ ạt, thiếu định hướng, không tập trung, kém hiệu quả và gây xung đột lợi ích giữa các chủ thể canh tác cây trồng trên nền đất lúa. Lưu ý, phải có các giải pháp trữ nước ngọt cung cấp cho cây trồng trong mùa khô và tiêu thoát nước mùa mưa lũ. Theo dõi, quản lý việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, hướng dẫn cá nhân, hộ gia đình đăng ký chuyển đổi theo quy định… Đồng thời, bố trí loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… để từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số loại cây ăn trái chủ lực như: Sầu riêng, mít, bưởi, nhãn, sapo...

Hằng năm, Phòng Kinh tế đều có tham mưu UBND thị xã Kế hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa phía Bắc Quốc lộ 1 trên địa bàn TX. Cai Lậy với mục đích theo dõi, quản lý việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, Phòng Kinh tế cũng tham mưu UBND thị xã và thực hiện các công tác duy trì quỹ đất trồng lúa có hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc chuyển đổi tập trung cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa sang trồng cây lâu năm các xã, phường phía Bắc Quốc lộ 1 theo vùng và quy hoạch, kế hoạch của địa phương và đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tránh việc chuyển đổi rải rác, manh mún. Các cơ quan, ban, ngành thị xã và UBND các xã, phường đã phối hợp tốt trong việc quản lý chuyển đổi được đảm bảo, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

CÁC XÃ, PHƯỜNG PHÍA BẮC QUỐC LỘ 1 KHÔNG THÍCH HỢP TRỒNG SẦU RIÊNG

Theo Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy, dự kiến diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trên địa bàn thị xã năm 2024 là 228,14 ha, trong đó: 100,57 ha cây lâu năm, 27 ha cây hằng năm và không có diện tích trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, phù hợp với điều kiện chuyển đổi theo quy định. Đối với chuyển đổi sang cây lâu năm thì khu vực chuyển đổi ưu tiên phát triển vùng đất lúa kém hiệu quả, cây trồng chuyển đổi ưu tiên những cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, trên cơ sở các vùng trồng cơ bản có sẵn, đảm bảo điều kiện quy định.

Tuyên truyền các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nước tưới không phù hợp; sản xuất theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch đến chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đặc biệt là phổ biến quy trình canh tác sầu riêng trong vùng dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang và kết quả test mẫu đất các xã, phường phía Bắc Quốc lộ 1 (các kết quả thử đều không thích hợp trồng sầu riêng) để người dân chủ động chọn loại cây trồng phù hợp.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thị xã khuyến cáo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, định hướng vùng chuyển đổi tập trung theo vùng chủ yếu là phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc khu vực phía Nam đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phía Tây đường tỉnh 868 (tuyến tránh) và các ô đê bao khép kín, chống lũ triệt để, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất, tiêu thoát nước mùa mưa cũng như ngăn lũ, triều cường hoặc xâm nhập mặn để bảo vệ vườn cây.

Đối với cây sầu riêng, thị xã sẽ không mở rộng trồng tại các vùng có điều kiện canh tác không phù hợp; chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng theo đúng quy hoạch tại Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (theo Đề án, đối với các xã, phường phía Bắc đường Cao tốc định hướng không phát triển sầu riêng), Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” và theo Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn thị xã. Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho từng nhóm cây trồng cụ thể theo hướng sản xuất an toàn và bền vững. Hình thành các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương thông qua các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm nâng cao giá trị nông sản; hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu cho xuất khẩu và được cấp mã số vùng trồng. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi, đặc biệt là thủy lợi đối với vùng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, đảm bảo phòng, chống lũ, triều cường và xâm nhập mặn…

HÀ NAM

.
.
.