.
BÀI TOÁN KINH TẾ BIỂN

Bài cuối: Phân bổ không gian phát triển

Cập nhật: 09:54, 24/06/2024 (GMT+7)

Bài 1: Tận dụng kinh tế thủy sản

Bài 2: Hướng đến mục tiêu bền vững

Ngoài thủy sản, vùng biển và vùng ven biển của Tiền Giang có tiềm năng rất lớn để khai thác và phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Chính vì vậy, mở rộng không gian kinh tế biển không chỉ đối với Tiền Giang, mà còn đối với nhiều tỉnh, thành có lợi thế về biển.

Quy hoạch phát triển tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới cũng tập trung hướng đến việc ưu tiên tận dụng và phát triển kinh tế biển, với nhiều lĩnh vực có tiềm năng.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG ĐA MỤC TIÊU

Nhìn từ thực tiễn, phát triển kinh tế biển đã và đang được các tỉnh, thành có lợi thế chú trọng, trong đó có Tiền Giang. Theo đó, thời gian qua Tiền Giang đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiền Giang tập trung  khai thác lợi thế kinh tế biển.
Tiền Giang tập trung khai thác lợi thế kinh tế biển.

Một trong những điểm nổi bật thông qua thực hiện chủ trương này là Tiền Giang đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế - đô thị của tỉnh, các khu - cụm công nghiệp, khu vực Đông Nam Tân Phước với vùng công nghiệp Gò Công; kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các địa phương vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu, vốn ODA, vốn ngân sách tỉnh, Tiền Giang cũng đã đầu tư một số công trình tiêu biểu đã hoàn thành như: Cầu Bình Xuân trên đường tỉnh 873; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 873; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 877E; nối nhịp bến phà Tân Long…

Song song đó, Tiền Giang cũng thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, huyện Gò Công Đông; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Cụm công nghiệp Gia Thuận 2.

Tiền Giang đã và đang tính toán đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông cấp quốc gia, tỉnh, huyện, chuẩn bị đầu tư đường ven biển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH hướng đến sau năm 2030 có bước đột phá cho khu vực TP. Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông khi kết nối Soài Rạp (Tiền Giang) đến Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được hình thành. Theo đó, Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) hiện đang tập trung thi công.

Riêng Dự án Đường quốc lộ ven biển, căn cứ theo Quyết định 1454 ngày 1-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đang triển khai hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan về phương án tuyến đầu tư Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre (giai đoạn 1)…

Đồng thời, để bảo vệ tuyến đê biển của tỉnh, trong năm 2021 tỉnh cũng đã thực hiện việc kè và lát bê tông được 2.920 m đê biển; xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông với chiều dài khoảng 1.442 m, với tổng mức đầu tư 42,3 tỷ đồng (vốn Trung ương 35 tỷ đồng, vốn địa phương 7,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương và UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng không ngừng hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển gắn với nhiều lĩnh vực có lợi thế. Chẳng hạn, Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có các dự án trọng điểm phát triển du lịch biển Tân Thành được tập trung đầu tư.

Theo đó, ngành Du lịch của tỉnh đã phối hợp huyện Gò Công Đông lập quy hoạch phát triển mở rộng Khu du lịch biển Tân Thành, với quy mô hơn 80 ha: Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang đang khai thác với quy mô diện tích 4 ha; Công ty TNHH Vạn Bình An đầu tư khai thác với các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ mát và khu vui chơi giải trí du lịch biển với quy mô diện tích 11,7 ha; đang tiến hành mời gọi đầu tư (diện tích 66 ha) còn lại.

 

Bên cạnh đó, một số dự án được đầu tư phát triển du lịch khu vực phía Đông như: Dự án Đầu tư Khu du lịch sinh thái Gò Công (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) với tổng diện tích gần 3 ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng; Dự án Đầu tư Khu du lịch Sinh thái - Nghỉ dưỡng Ốc Đảo (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) với diện tích 15,7 ha, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Làng Yến (ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) quy mô 10 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng…

Song song đó, Tiền Giang cũng thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển. Theo đó, Tiền Giang đã triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 840 ngày 16-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tích hợp các nội dung đề xuất có liên quan vào Quy hoạch tỉnh như: Phương án phát triển hạ tầng logistics và bố trí không gian phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phương án bố trí không gian vùng liên huyện, vùng huyện; phương án phát triển và bố trí không gian các khu xử lý chất thải, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải; phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện Gò Công Đông; phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển KT-XH và hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện Tân Phú Đông...

TIỀM NĂNG KINH TẾ TO LỚN

Trong chặng đường sắp tới, Tiền Giang tiếp tục khẳng định vùng biển và vùng ven biển là một địa bàn chiến lược, có tiềm năng kinh tế to lớn, có vị trí quốc phòng vô cùng quan trọng đối với việc phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Tiền Giang; trong đó, phát triển đô thị, du lịch, thủy sản và cảng biển là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của vùng biển và ven biển, Tiền Giang sẽ tập trung xây dựng thành một vùng kinh tế phát triển năng động, thu hút các nguồn đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển, phát triển du lịch và phát triển thủy, hải sản đảm bảo đạt yêu cầu, hiệu quả cao và bền vững.

Thực tế cho thấy, vùng kinh tế biển của Tiền Giang có quy mô khoảng 24.500 ha, phía Bắc giáp sông Vàm Cỏ, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp đường ven biển, phía Đông giáp Biển Đông. Chính vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế biển Tiền Giang trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính: Phát triển công nghiệp, cảng, trung tâm logistics, năng lượng; phát triển một vùng đô thị du lịch biển, đa chức năng; phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với cải thiện sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

Theo đó, Tiền Giang tập trung phát triển công nghiệp, cảng, trung tâm logistics dọc sông Soài Rạp và đổi mới trên 4 ngành công nghiệp chính: Dịch vụ cảng, hậu cần, công nghệ xanh và tài chính. Các lĩnh vực chính bao gồm hải cảng, logistics sau cảng và các khu công nghiệp hậu cảng, đóng tàu; nghề cá bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực khai thác năng lượng liên quan đến biển như thủy triều, gió... Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng dự kiến xây dựng đô thị Vàm Láng thành đô thị công nghiệp, trở thành một vùng đô thị du lịch biển, đa chức năng.

Theo định hướng phát triển, huyện Gò Công Đông sẽ từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển và gắn kết liên vùng; xây dựng đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.

Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trong khi đó, huyện Tân Phú Đông với định hướng chính là phát triển đô thị theo hướng du lịch sinh thái, trong đó nửa phía Đông gắn với sinh thái ngập mặn, phía Tây là đô thị ven sông Tiền với miệt vườn sông nước và các khu đô thị, trung tâm nằm gần mặt nước.

Đồng thời, tỉnh cũng định hướng phát triển vùng sản xuất thủy sản công nghệ cao, sinh thái; phát triển một số dự án điện gió. Trong tương lai khi tuyến đường ven biển hình thành, tỉnh tổ chức nút giao kết nối vào hệ thống giao thông trong huyện để tận dụng được cầu hai bên bắc qua sông Cửa Tiểu và Cửa Đại…

ANH PHƯƠNG - Ý PHƯƠNG

 

.
.
.