.

Để du khách quay lại Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Tài nguyên du lịch phong phú

Cập nhật: 09:59, 03/06/2024 (GMT+7)

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chậm đổi mới và trùng lắp giữa các tỉnh, thành là đánh giá chung của nhiều du khách cũng như các doanh nghiệp lữ hành khi nói về du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để biến những tiềm năng thành sản phẩm hấp dẫn, du lịch ĐBSCL cần một hướng đi mới để thu hút du khách đến và quay trở lại.

Với hệ sinh thái đa dạng, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với nhiều loại hình. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tập trung khai thác lợi thế để phát triển du lịch. Điều này đã giúp ĐBSCL trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

TẬP TRUNG KHAI THÁC LỢI THẾ

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời gian qua, các tỉnh, thành ĐBSCL đã tập trung khai thác những thế mạnh để đẩy mạnh phát triển du lịch. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch đã hình thành từ những lợi thế đặc trưng, giúp du khách có những trải nghiệm hấp dẫn.

Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại cù lao Thới Sơn.
Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại cù lao Thới Sơn.

Với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, tỉnh Tiền Giang có những ưu thế và thuận lợi trong phát triển du lịch theo hướng sinh thái sông nước miệt vườn, lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian… Thời gian qua, công tác phát triển sản phẩm du lịch luôn được tỉnh chú trọng.

Theo đó, Tiền Giang đã đẩy mạnh khai thác các sản phẩm sông nước miệt vườn ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ Nổi và làng nghề truyền thống (huyện Cái Bè); vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); tham quan khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông); thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực, nghe đờn ca tài tử…

Trong đó, Khu du lịch Thới Sơn được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 khu du lịch cấp Quốc gia của ĐBSCL. Theo thống kê, cù lao Thới Sơn chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang. Theo ghi nhận, khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động đậm chất miền Tây sông nước như: Đi đò chèo, nghe đờn ca tài tử, đi xe ngựa, tham quan vườn cây ăn trái, uống trà mật ong, thưởng thức nhiều loại trái cây…

Chính điều này giúp Tiền Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành khá của ĐBSCL về thu hút khách du lịch. Năm 2023, tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách, vượt 4% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế 450 ngàn lượt, vượt 80% kế hoạch năm; doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 900 tỷ đồng.

Tỉnh An Giang được thiên nhiên ưu đãi những đặc trưng khác biệt rõ nét về mặt địa hình so với các địa phương khác trong vùng; đồng thời, sở hữu lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị nhân văn phong phú. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng với 86 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt. An Giang còn có 160 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội lớn như: “Vía Bà Chúa xứ Núi Sam - Châu Đốc”, “Đua bò Bảy Núi An Giang...

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2023, du lịch ĐBSCL có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, du lịch vùng có sự tăng trưởng vượt đỉnh năm 2019, thu hút gần 45 triệu lượt khách, tăng 20,5%; đạt doanh thu hơn 45.700 tỷ đồng, tăng hơn 42,5% so năm 2022.

Ngoài ra, tính hấp dẫn của giá trị nhân văn tại An Giang còn được kết tinh trong những làng nghề truyền thống cung cấp các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp và đặc sản địa phương… Đó là những tiềm năng và lợi thế để An Giang tạo nên bức tranh sinh động, phong phú trong việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tâm linh, tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử, du lịch cộng đồng nông thôn, du lịch trải nghiệm đời sống sông nước.

Bên cạnh việc duy trì những sản phẩm truyền thống đã làm nên thương hiệu, An Giang tiếp tục xây dựng và phát triển những sản phẩm mới để thu hút khách du lịch: Du lịch Carnavan chinh phục “Nóc nhà của miền Tây” và những cung đường nên thơ rợp bóng thốt nốt và trâm rừng…

Đối với Cần Thơ, thành phố xác định thế mạnh đặc thù là du lịch sông nước và MICE (kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo và triển lãm). Thời gian qua, thành phố đã chú trọng đầu tư hệ thống sản phẩm đặc trưng, từng bước tạo sự thay đổi. Trong đó, chợ nổi Cái Răng là điểm đến trong định hướng chiến lược phát triển du lịch đường sông của Cần Thơ.

Đặc biệt là việc kết nối tour tuyến giữa các điểm du lịch và chợ nổi Cái Răng với những khác biệt so với những chợ nổi khác trong vùng và trên thế giới. Bởi việc buôn bán họp chợ phục vụ cũng chính là cuộc sống của người dân, mang nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước.

Hiện nay, qua thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, toàn thành phố có 636 cơ sở lưu trú, với tổng số khoảng 10.500 phòng. Nhiều cơ sở lưu trú được đầu tư, xây dựng đạt chuẩn. Từ đó cho thấy, hệ thống cơ sở lưu trú của TP. Cần Thơ so với các tỉnh ĐBSCL đáp ứng tốt các yêu cầu của loại hình du lịch MICE.

NHIỀU TIỀM NĂNG

Với đặc thù miệt vườn sông nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc.

Đây là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phát triển nhiều loại hình, từ sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống... đến du lịch biển đảo.

Du khách đến Tiền Giang qua Cảng  Du thuyền Mỹ Tho. 												                                 ảnh: MINH THÀNH
Du khách đến Tiền Giang qua Cảng Du thuyền Mỹ Tho. ảnh: MINH THÀNH

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho rằng, không chỉ dưới góc độ là doanh nghiệp lữ hành, mà bất kỳ ai trong ngành Du lịch cũng cho rằng, ĐBSCL có một tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, với hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc.

Những ưu thế này kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của khẩn hoang phương Nam góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù mà chỉ khi đến với miền Tây mới có thể trải nghiệm được.

Cũng theo bà Thy, hiện nay, du lịch ĐBSCL đã có nhiều đổi mới trong các sản phẩm. Thông qua nhiều chương trình xúc tiến, hội thảo, các địa phương trong vùng đã có nhiều chính sách phát triển sản phẩm du lịch, tạo dấu ấn riêng.

Một góc Chợ nổi Cái Răng,  TP. Cần Thơ.
Một góc Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Hiện nay, Vietravel đang khai thác rất tốt 2 dòng sản phẩm du lịch miền Tây là: Hành trình liên tuyến miền Tây (Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, 4 ngày 3 đêm) và hành trình miền Tây (Tiền Giang - Mỹ Tho - cù lao Thới Sơn - Bến Tre - cồn Phụng, 1 ngày).

“Trong những năm qua, du lịch vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác quảng bá, kết nối được với các trung tâm du lịch ngoài vùng như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh phía Bắc…, phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Nhiều địa phương ở đây đã ngày càng trở thành điểm đến thú vị, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước” - bà Thy đánh giá.

Thực tế cho thấy, với những tiềm năng hiện có, bên cạnh nỗ lực làm mới sản phẩm, các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đã chú trọng liên kết phát triển du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, vấn đề nổi lên gần đây là liên kết vùng trong phát triển du lịch được nhiều tỉnh, thành quan tâm.

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trước đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hằng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển du lịch vùng, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành. Các địa phương trong vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TP. Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy du lịch vùng phát triển.

THÁI AN - ANH THƯ

(còn tiếp)

.
.
.