Thứ Năm, 13/06/2024, 15:14 (GMT+7)
.

Để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Nơi đây đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, đồng thời cũng là vùng trồng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động từ con người ở lưu vực sông Mê Công, vùng đất này đang đứng trước nhiều khó khăn khi dần mất đi nhiều lợi thế sẵn có.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vựa lúa chính của cả nước. Ảnh: TÂM THƯ
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vựa lúa chính của cả nước. Ảnh: TÂM THƯ

ĐBSCL là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Diện tích tự nhiên là 4.092,2 nghìn ha thì có đến 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất cây nông nghiệp (chiếm 60% diện tích). Hằng năm, sông Tiền, sông Hậu mang đến nơi đây lượng phù sa màu mỡ. Mạng lưới sông ngòi chằng chịt vừa thuận tiện giao thương, vừa tạo điều kiện tốt nhất không chỉ trồng cây mà còn cho nuôi trồng thủy sản. Có người từng ví von: Chỉ cần có ĐBSCL, Việt Nam không bao giờ phải lo đói! Hiện tại và trong tương lai, liệu chúng ta có thể yên tâm cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng lớn nhất cả nước?

Lợi thế đang dần mất đi

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH Kiên Giang) phản ánh một bức tranh không mấy sáng sủa. Thời gian vừa qua, sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây ĐBSCL. Mức độ càng ngày càng nghiêm trọng. Đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 có tới 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL bị sạt lở. 558 vị trí sạt lở bờ sông dài hơn 740 km. Trong đó có 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 137 vị trí sạt lở nguy hiểm.

Không chỉ có vậy, xâm nhập mặn có xu hướng ngày càng nặng nề. Trước đây xâm nhập mặn thường chỉ vào khoảng 15-20 km ở các con sông lưu vực ĐBSCL. Hiện nay, sông Vàm Cỏ có thời điểm bị nước mặn xâm nhập sâu 125 km. Xâm nhập mặn dẫn tới tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ. Hơn 50.000 hộ gia đình thiếu nước sạch và phải sử dụng các giải pháp khác để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau, đã có khoảng 4.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt. Người dân phải dùng thùng phuy, chậu, can đựng nước ngọt vận chuyển nước từ xa về.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động quá lớn đến Việt Nam. Chúng ta là một trong sáu quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu. Tình trạng biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến cả nguồn nước. Hiện nay, 60% nguồn nước của chúng ta bị phụ thuộc vào nước ngoài, 40% là nội sinh.

Các yếu tố khách quan tác động vào biến đổi khí hậu càng lúc càng nhiều. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng có thể nhận thấy tình hình tại ĐBSCL thậm chí còn có thể xấu hơn nữa. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp và bắt tay vào thực hiện, rất có thể những lợi thế của vùng đất này sẽ mất đi. Thậm chí một ngày không xa, hầu hết diện tích vùng đồng bằng phì nhiêu có thể chìm dưới mặt nước biển.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, thế giới đang ở một kỷ nguyên khô hạn. Nước sẽ là câu trả lời cho cả thế giới nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, để tiếp cận nước, chúng ta phải tiếp cận ba chủ thể: số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, mặc dù chúng ta luôn nói tài nguyên nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 9 phải trình Đề án tổng thể liên quan tới hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở bờ sông, bờ biển. Đây là vấn đề rất lớn, cần nguồn lực khổng lồ… Thậm chí theo như Nghị quyết 120, chúng ta phải chuyển đổi cả không gian sống và không gian sản xuất để hợp lý hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN
Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Cần những giải pháp cấp bách và lâu dài

Mọi vấn đề đang diễn ra tại ĐBSCL chưa phải hoàn toàn đã hết hy vọng. Với một số khía cạnh, thậm chí chúng ta có thể giải quyết nhanh chóng. Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho biết, theo một số liệu của các chuyên gia cung cấp, ĐBSCL trong mùa hạn vẫn đón lượng nước đổ về dao động từ 60 đến 70 tỷ m3. Trong khi đó, lượng nước cần dùng chỉ vào khoảng 15 tỷ m3. Rõ ràng, để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp lại quy hoạch, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phân phối nước cho người dân.

TS Cao Vĩnh Hải, Giám đốc Trung tâm Môi trường tài nguyên giảm nghèo nông thôn (CERPA) đã từng có thời gian dài gắn bó với ĐBSCL. Nguyên là chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian đó, ông đã thu thập rất nhiều kinh nghiệm quý báu để chinh phục vùng đất này. Từ thực tiễn ở ĐBSCL và chuyên môn của mình, ông đề xuất một nhóm giải pháp có tính dài hạn.

Giải pháp đầu tiên và gây chú ý nhất là việc xây dựng 2 hồ chứa nước ngọt lớn nhất ĐBSCL. Hồ Đông Hồ (huyện Hà Tiên, Kiên Giang) có diện tích hơn 3.000 ha, là hồ tự nhiên lớn nhất nước ta. Nếu chúng ta bỏ ra khoảng vài chục triệu USD, xây dựng một con đập dài khoảng 100 m, cùng với đó là hệ thống cống điều tiết ngăn mặn, nơi đây sẽ biến thành vùng nuôi hải sản lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hồ có thể trở thành nguồn cung cấp nước ngọt cho toàn bộ khu vực tây nam vùng Đồng Tháp Mười.

Hồ thứ hai nằm ở vùng trũng nhất 2 tỉnh Đồng Tháp và Long An. Theo khảo sát của cá nhân TS Cao Vĩnh Hải, đây là vùng đất nhiễm phèn, nuôi trồng thủy sản không hiệu quả. Nếu chuyển đổi sang thành hồ chứa, nhiệm vụ đơn giản hơn khá nhiều vì bản thân đây đang là vùng đất trũng. Sau khi hình thành, bề mặt hồ có thể lên tới 20.000 ha. Đây sẽ là hồ cấp nước chủ lực cho vùng lúa đông bắc ĐBSCL và hàng triệu cư dân quanh vùng.

Mục tiêu hướng đến là nước ngọt, TS Hải đề nghị thêm giải pháp xây dựng hệ thống hồ, đầm nhỏ để chứa nước ngọt và cống ngăn mặn, bờ bao. Ưu điểm nổi trội của ĐBSCL là có thể đào hồ, đầm, khơi thông kênh rạch… vừa lấy đất tôn nền.

Với các giải pháp đó, chúng ta có thể giải quyết được cả vấn đề nước ngọt lẫn vấn đề nước biển dâng. Để làm việc này cũng không cần diện tích lưu vực, diện tích tự thủy, có thể xây dựng xong chỉ trong vài năm. “Chúng tôi đã làm thí điểm hồ này tại Nông trường Vĩnh Điều B (Hà Tiên) từ năm 1984. Sau 2 năm hồ này đã chứa nước ngọt và có khu san nền cao ráo, sạch sẽ”.

Các khu dân cư ở ĐBSCL phần lớn phân bố rải rác. Sự phân bổ này gây khó khăn cho việc xây dựng các công trình phúc lợi. Chúng ta cần bố trí tập trung lại, đồng thời lấy đất giải tỏa ven kênh, xây dựng giao thông, cầu cống. Một khi các khu dân cư được quy hoạch tập trung, sẽ rất dễ dàng triển khai, vận động người dân xây dựng các bể, bồn chứa, trữ nước ngọt. Lượng nước ít nhất cũng đủ dùng cho mùa hạn hán, có thể xóa bỏ hẳn cách dùng xô, chậu đi nhận nước cứu hạn.

Để chống sạt lở ven sông, ven biển, không có gì tốt hơn hệ thống đai, dải rừng... ven sông, ven biển. Nếu làm tốt, nó có thể vừa chống sạt lở, vừa là tuyến phòng ngự bảo vệ quốc phòng - an ninh. Dẫu biết rằng phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển cực kỳ tốn kém và khó khăn. Điển hình như kết quả hạn chế của Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) từng được triển khai ở một số tỉnh. Nhưng chúng ta buộc phải làm, ít nhất phải trồng được 100.000 ha rừng ngập mặn ở ven biển miền Tây Nam Bộ trong 10 năm tới.

Nhìn chung, các đề xuất hướng giải pháp của TS Cao Vĩnh Hải lấy việc tôn nền khu dân cư và làm hồ đập, nạo vét kênh rạch, làm cống ngăn mặn làm “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt. Nhưng tất cả đều mang tính khả thi dựa trên điều kiện tự nhiên sẵn có của vùng ĐBSCL. Nếu tất cả được nghiên cứu, nhìn nhận và có kế hoạch triển khai một cách hợp lý, chúng ta có quyền hy vọng ĐBSCL không chỉ giữ được những thế mạnh vốn có, mà còn có thể phát triển bền vững hơn với một vị thế mới. Vùng đồng bằng sẽ lại màu mỡ và trở thành trung tâm nông nghiệp không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực và thế giới.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.