Huyện Tân Phước: Từ "rốn lũ, rốn phèn" đến đa dạng hóa cây trồng
Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang từng được mệnh danh là vùng “rốn lũ, rốn phèn”, với cây chủ lực là tràm. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tỉnh, huyện, cùng với sự đầu tư để đào kinh dẫn nước, xả lũ, rửa phèn, xây dựng ô đê bao nên vùng đất được mệnh danh “con hổ ngủ” dần hồi sinh, khoác lên mình “chiếc áo mới”.
TỪ CẢI TẠO ĐẤT…
Công cuộc cải tạo vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” Tân Phước được tập trung thực hiện trong hàng chục năm. Đầu tiên là việc đào kinh dẫn nước để xả lũ, rửa phèn; tiếp theo đó là xây dựng hệ thống ô đê bao để chống lũ. Khi hệ thống kinh, ô đê bao dần hoàn thiện, vùng đất nhiễm phèn nặng của Tân Phước cũng dần được cải thiện, từ đó những cánh đồng lúa, khóm, khoai mỡ cũng bắt đầu thay thế dần màu xanh của rừng tràm.
Khi đất ngày càng được cải thiện, thì rau màu từ vùng đất Châu Thành, Cai Lậy cũng dần lấn sâu vào Tân Phước với năng suất và chất lượng ngày càng nâng cao. Trong những năm gần đây, cây thanh long, mít Thái, cam, chanh, xoài… từ vùng đất Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo… cũng dần bén rễ trên vùng đất một thời chỉ tưởng có thể trồng tràm, lúa, khóm, khoai mỡ.
Ông Nguyễn Văn Hậu bên vườn chanh của gia đình. |
Trong những năm gần đây, huyện Tân Phước tiếp tục đầu tư vào thủy lợi, kiện toàn hệ thống kinh, mương để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải tạo đất đai, khai hoang, phục hóa. Theo đó, hằng năm, UBND huyện Tân Phước và UBND các xã đều có kế hoạch nạo vét, trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy, nâng cao chất lượng và tính năng của các công trình thủy lợi để đáp ứng yêu cầu cung cấp nước, phục vụ tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường để phòng, chống thiên tai, lũ lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phục vụ tưới chủ động cho 99,5% đất sản xuất nông nghiệp, tiêu chủ động cho 99,68% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 11 xã và 1 thị trấn.
Từ việc đẩy mạnh công tác thủy lợi đã đảm bảo được nguồn nước tưới, tiêu cho cây trồng; đồng thời, kết hợp với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn, hội thảo để chuyển giao khoa học - kỹ thuật đã giúp cho nông dân ngày càng có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong công tác làm nông của mình. Từ đó, nhiều giống cây trồng được xem là đặc sản của vùng Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè… đã bám rễ trên vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” Tân Phước, giúp cho cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, kinh tế gia đình được ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của huyện.
ĐẾN ĐA DẠNG HÓA CÂY TRỒNG
Công tác thủy lợi tốt nên độ phèn chua của đất đã giảm dần theo mỗi năm. Từ đó, ngoài những cây truyền thống của địa phương như khóm, lúa, khoai, bàng, sen thì nông dân đã chịu khó tìm tòi học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật của huyện, xã tổ chức nên nông dân đã mạnh dạn trồng các loại cây khác như mít, chanh, mãng cầu, xoài, bưởi, cam…
Anh Nguyễn Văn Tôn (48 tuổi, ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập) cho biết, trước đây, gia đình có 3 ha đất trồng khóm, do giá khóm những năm trước xuống thấp, cộng với đất nhiều năm trồng khóm đã thoái hóa nên anh quyết định chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm. Để cho cây mít phát triển tốt ở vùng đất vốn không màu mỡ và nhiễm phèn, anh phải sử dụng phân hữu cơ bón cho cây là chính, kết hợp với bón phân lân, vôi (bón 1 lần/năm), hạn chế sử dụng phân hóa học và ít phun thuốc diệt cỏ để giữ độ ẩm của đất, tránh làm cho đất bị khô cằn, cây mít khó phát triển.
Anh Nguyễn Văn Tôn đang chăm sóc vườn mít của gia đình. |
Cây mít sau khi trồng khoảng 2 năm thì cho trái; hiện tại, vườn mít của anh Tôn được 6 năm tuổi, hằng năm cho thu hoạch khoảng 25 tấn/ha.
Với giá bán trung bình khoảng 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc khoảng 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng/ha, anh vẫn còn lãi từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng/ha/năm. Với mức thu nhập như thế, trồng cây mít cho thu nhập cao hơn khoảng gấp đôi so với trồng khóm, từ đó đem lại sự ổn định cho cuộc sống gia đình và kinh tế ngày càng tốt hơn. Nhờ kinh tế khá lên mà anh đã thuê thêm 10 ha đất trồng mít và đã cho thu hoạch được 5 ha; năm 2023 anh thu nhập gần 1 tỷ đồng từ loại cây trồng này.
Theo UBND xã Phước Lập, cây mít đã được trồng và phát triển khoảng 10 năm nay, với diện tích khoảng 260 ha, đang là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Để giúp nông dân trồng mít đạt hiệu quả, hằng năm, UBND xã kết hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện tổ chức hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. UBND xã đang kết hợp với các ngành chức năng để xây dựng mô hình trồng 10 ha cây mít theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, xã Phước Lập có 18 ha trồng cây mít được chứng nhận VietGAP.
Còn ông Nguyễn Văn Hậu (69 tuổi, ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập) cho biết, gia đình ông có 3 ha đất. Sau nhiều năm trồng khóm kém hiệu quả, ông đã chuyển sang trồng cây chanh đến nay được 3 năm. Hiện tại, cây chanh đang phát triển khá tốt và năm nay sẽ cho trái. Với giá bán từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg như hiện nay thì thu nhập từ 3 ha trồng chanh của ông sẽ rất khả quan.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, diện tích đất nông nghiệp của huyện hiện nay không còn tập trung vào cây tràm, khóm, lúa, khoai như trước kia, mà có sự dịch chuyển, mở rộng thêm một số loại cây trồng khác. Cụ thể, diện tích khóm toàn huyện hiện nay là 15.407 ha, cây dừa 370,2 ha; cây ăn trái các loại là 2.582,8 ha; trong đó, mít 1.238,7 ha, thanh long 536 ha, chanh 230,2 ha, mãng cầu 107,5 ha, xoài 66,5 ha, bơ 53,5 ha, bưởi 45,1 ha, cam 33 ha, ổi 22,1 ha…
HỮU THÔNG