Thứ Hai, 03/06/2024, 15:07 (GMT+7)
.

Khởi nghiệp với nghề may áo len

(ABO) Đam mê với nghề đan, may áo len và muốn tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ ở địa phương, chị Võ Thị Diệp (sinh năm 1972, đường Xóm Dầu, phường 3, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn khởi nghiệp và thành công với sản phẩm từ sợi len.
Chị Võ Thị Diệp.
Chị Võ Thị Diệp.
BÉN DUYÊN VỚI NGHỀ
 
Bén duyên với nghề đan len từ khi còn thời con gái; tốt nghiệp phổ thông, chị Diệp đi học cho mình một cái nghề, đó là đan áo len. Sau đó, chị Diệp làm công nhân cho Tổ hợp tác Đan len Thu Hồng. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, sau khi có kinh nghiệm trong việc đan áo len, năm 2017 chị Diệp quyết định bắt tay vào làm cho riêng mình. Chị chuyển từ đan len sang nhận gia công may áo len.
 
Chị Diệp đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công việc như: Máy may, máy vắt sổ... và thuê nhân công may gia công để thành lập Tổ hợp tác Đan len Thành Quang, chuyên ráp áo len tại nhà. Đây cũng là thời điểm các mặt hàng áo len đang thịnh hành. Thời điểm này, chị nhận thêm nhiều hàng và công nhân vào làm, một số công nhân ở xa được bố trí chỗ ở, đối với công nhân ở xã, huyện sẽ giao hàng đến tận nhà.
Chị Võ Thị Diệp kiểm tra sản phẩm.
Chị Diệp kiểm tra sản phẩm.
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề cùng sự giới thiệu của người thân, bạn bè, chị nhận hàng về gia công từ các công ty tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương..., mỗi tháng Tổ hợp tác Đan len Thành Quang gia công và xuất khoảng 1.000 - 2.000 áo len. Những tháng đầu năm là thời gian cao điểm nhiều hàng, còn cận Tết Nguyên đán hàng sẽ ít, nhưng chị luôn dự trù để công nhân không bị thất nghiệp. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ từ ráp áo, vắt sổ, kẹp sườn, kiểm tra, vá áo, tất cả cần được thực hiện cẩn thận và chính xác. 
 
Chị Diệp cho biết: Thành lập tổ đan len vừa giúp phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, bản thân mong muốn tạo việc làm cho chị em phụ nữ lớn tuổi không thể đi làm tại các công ty, xí nghiệp, người làm việc nhà, đưa rước con có thêm thu nhập. Mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bản thân cảm thấy vui vì công việc giúp ích cho nhiều người. 
 
TẠO VIỆC LÀM CHO PHỤ NỮ
 
Công việc cần nhiều công lao động nên chị đã huy động nhiều thợ may tại địa phương. Nhờ đó đã tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ lớn tuổi, đang nuôi con nhỏ, nội trợ, giúp họ có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt.
 
Theo chị Diệp, hiện tại tổ hợp tác đan len có khoảng 5 chị em đang làm việc tại cơ sở với các công đoạn vắt sổ, kẹp sườn ráp thành phẩm. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm cho cả chục thợ nhận hàng về may tại nhà, đa số là phụ nữ lớn tuổi, nội trợ muốn kiếm thêm thu nhập và những người đã gắn bó lâu năm với mức lương từ 3 - 20 triệu đồng tùy vị trí công việc và sản phẩm.
May áo lên đòi hỏi sự tỉ mỉ.
May áo len đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Gắn bó với tổ hợp tác từ những ngày thành lập, bà Đặng Thị Hồng (phường 3), phụ trách khâu giấu mối cho biết, công việc ở đây thoải mái, phù hợp với người lớn tuổi, thu nhập ổn định.
 
Còn đối với chị Lý Thị Yến Oanh, làm khâu ráp áo cho biết, trước đây, tôi làm khâu dệt áo, sau này có máy tự động nên chuyển qua khâu ráp đến nay, cũng được 5 - 6 năm. Thợ nào làm lâu sẽ ráp nguyên áo, còn mới vào sẽ làm từng công đoạn. Bản thân có kinh nghiệm vì từng làm dệt, chị đảm nhận công đoạn ráp và may, hằng ngày làm từ 6 - 8 giờ tại cơ sở, cũng có ngày nhận về nhà may. “Công việc này vừa nhẹ nhàng lại không gò bó thời gian, mỗi tháng tôi kiếm được trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng, những tháng làm nhiều thì thu nhập cao hơn” - chi Yến Oanh chia sẻ.
Tổ hợp tác tạo nhiều việc làm cho chị em phụ nữ.
Tổ hợp tác tạo nhiều việc làm cho chị em phụ nữ.
Hằng ngày từ 7 giờ, cô Nguyễn Thị Kim Nhãn từ xã Tân Mỹ Chánh đến cơ sở của chị Diệp để làm đến 17 giờ. Cô Nhãn cho biết: "Chị em vào làm được chị Diệp đào tạo và hướng dẫn cách làm nên từ một người không biết gì về nghề may, chỉ cần vài tháng là có thể thông thạo công việc. Tôi phụ trách công đoạn giấu mối, kiểm hàng, mỗi tháng thu nhập hơn 4 triệu đồng, có thêm tiền chi tiêu cho gia đình".
 
Công việc ráp, may áo len đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì nhưng với niềm đam mê với nghề, chị Diệp đã từng bước phát triển Tổ hợp tác Đan len Thành Quang ngày càng pháp triển. Chị Diệp mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm nguồn hàng giúp chị em tăng thêm thu nhập và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
SỚM MAI
 
.
.
.