Thứ Hai, 10/06/2024, 11:00 (GMT+7)
.

Nâng cao giá trị thương phẩm cho ếch Thái Lan

Kỹ thuật nuôi đơn giản, thị trường tiêu thụ tốt, nhất là phù hợp nuôi thâm canh, nên nhiều người dân đã chọn ếch Thái Lan làm mô hình phát triển kinh tế gia đình. 

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Đến tham quan mô hình nuôi ếch Thái Lan của anh Nguyễn Minh Khương (xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), anh Khương cho biết, mô hình được thiết kế 5 vèo nuôi có kích thước 75 m2, cao 1 - 1,2 m, làm bằng lưới ni lông, phía trên có che chắn để tránh cò tấn công gây hao hụt về số lượng. Vèo treo trong ao, đáy ngập nước khoảng 20 - 30 cm. Dùng bè tre để tạo giá thể cho ếch lên cư trú. Những tấm xốp đặt phía mặt dưới của đáy để vèo nổi lên, làm nơi sinh trưởng, tắm nắng và ăn mồi của ếch.

Mô hình sản xuất giống ếch Thái Lan toàn cái tại Trại thực nghiệm thủy sản Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Tiền Giang.
Mô hình sản xuất giống ếch Thái Lan toàn cái tại Trại thực nghiệm thủy sản Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Tiền Giang.

Anh Khương cho biết, hiện anh thả nuôi 5.000 con ếch và 5 kg cá rô giống. Sau khoảng 70 ngày nuôi, tỷ lệ sống của ếch đạt trên 95%, trọng lượng 4 con/kg, sản lượng thu được khoảng 1,2 tấn ếch, với giá bán bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, vèo, thuốc, anh thu được khoảng 3,5 - 4 triệu đồng.

Anh Khương chia sẻ: “Người mới nuôi, chưa có kinh nghiệm mà đạt vụ đầu có lời là rất mừng. Do đã nắm được đặc tính sinh trưởng, cách chăm sóc, cũng như những nguyên nhân gây bệnh cho ếch, những vụ nuôi sau, tôi mạnh dạn mở rộng mô hình. Đồng thời, mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô rất hiệu quả. Trong quá trình nuôi, tôi không bổ sung thức ăn cho cá, mà chỉ tận dụng thức ăn dư thừa, chất thải từ ếch và da ếch khi lột xác để nuôi cá, vừa giúp có thêm nguồn thu, hạn chế được nguồn nước nuôi trong vèo bị thối do thức ăn thừa”.

Vừa qua, Trường Đại học Tiền Giang đã tiến hành chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật “Quy trình công nghệ sản xuất giống ếch Thái Lan toàn cái bằng phương pháp xử lý nhiệt” cho Công ty TNHH Sagophar, với mục tiêu đạt tỷ lệ ếch con có giới tính cái cao (từ 75% trở lên).

Không chỉ riêng gia đình anh Khương, hiện nay mô hình nuôi ếch đang dần được nhân rộng, tạo sức hút với người dân xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy. Bởi ếch thích hợp với môi trường, thổ nhưỡng nơi đây, dễ nuôi, ít rủi ro và diện tích dành để nuôi ếch không nhiều nên thuận lợi cho người bắt đầu khởi nghiệp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ tại hộ gia đình. 

Người nuôi ếch thịt chỉ tốn thời gian cho ếch ăn vào buổi sáng và chiều nên công việc khá nhàn, lại có thêm nguồn thu nhập khá, thời gian rảnh rỗi còn lại trong ngày có thể tận dụng làm công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Chỉ sau thời gian nuôi từ 2 - 2,5 tháng, người nuôi có thể xuất bán, trọng lượng trung bình 3 - 5 con/kg. Với giá bán trung bình 40.000 đến 50.000 đồng/kg như hiện nay, đa phần người nuôi đều có lãi.

PHÁT HUY LỢI THẾ CON GIỐNG

Hiện nay, giống ếch Thái Lan được người nuôi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn là đối tượng để phát triển kinh tế gia đình. Một đặc điểm sinh học quan trọng của ếch Thái Lan là ếch cái có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, đùi to hơn và khối lượng cơ thể lớn hơn ếch đực trong cùng một độ tuổi nên tỷ lệ phân đàn rất cao, điều này dẫn đến hiện tượng ăn nhau làm giảm tỷ lệ sống, sản lượng nuôi giảm và giảm hiệu quả kinh tế. 

Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH và độ mặn có ảnh hưởng đến giới tính của một số loài sinh vật như cá, bò sát, lưỡng cư… Thạc sĩ Bùi Văn Mướp, giảng viên Bộ môn Nuôi trồng thủy sản và khoa học môi trường Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Tiền Giang cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra là nếu chúng ta tạo ra được đàn ếch giống toàn cái hoặc có tỷ lệ con cái cao hơn đáng kể thì sẽ tạo ra được đàn ếch đồng cỡ, tăng trưởng nhanh, đùi to đáp ứng nhu cầu thị trường và rút ngắn thời gian nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Anh Nguyễn Minh Khương bên mô hình nuôi ếch của gia đình.
Anh Nguyễn Minh Khương bên mô hình nuôi ếch của gia đình.

Qua thời gian nghiên cứu, thử nghiệm quy trình tạo ra đàn ếch giống có tỷ lệ ếch cái cao an toàn sinh học, không sử dụng bất kỳ loại sản phẩm hóa chất ngoại sinh nào để can thiệp vào quá trình hình thành giới tính của ếch, Trại thực nghiệm thủy sản tại Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Tiền Giang (cơ sở Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm nhân giống ếch toàn cái.

Đánh giá kết quả thu được, Thạc sĩ Bùi Văn Mướp cho biết, tỷ lệ sống khi ương từ nòng nọc lên ếch giống đạt trên 50%, tỷ lệ sống của ếch giống đạt 80 - 90%, tỷ lệ ếch cái trong đàn ếch giống đạt 75 - 80%. Giá bán ra thị trường khoảng 1.000 - 1.200 đồng/con, (loại 7 - 8 kg/1.000 con). Thời gian nuôi đạt kích cỡ thương phẩm từ nguồn ếch giống toàn cái là khoảng 55 - 60 ngày.

Nghề nuôi ếch Thái Lan đang phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp... Trong đàn mà ếch cái thường có thân lớn, tốc độ phát triển nhanh nên hiệu suất thu hồi vốn và lợi nhuận cao hơn so với ếch đực. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để xử lý trứng nhằm thu được đàn ếch toàn cái sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều cho người nuôi.

LÊ MINH

.
.
.