Tiền Giang: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên
Tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm tại một doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập ổn định nhưng ước mơ về lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ gắn với phát triển nền nông nghiệp bền vững luôn thôi thúc thanh niên trẻ Nguyễn Hoàng Việt. Thế rồi, khi cơ hội đến, anh quyết định bỏ phố về quê để triển khai ý tưởng khởi nghiệp với mô hình “Liên kết nuôi hươu sao và khai thác giá trị dược liệu từ nhung hươu”.
Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Hoàng Việt (sinh năm 1991), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hươu sao Tây Nam bộ (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được trao giải Đặc biệt Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức trong năm 2023.
CƠ HỘI VÀ NGÃ RẼ
Hoàng Việt cho biết: "Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty cổ phần thực phẩm TH. Trong những chuyến đi công tác nước ngoài, em có cơ hội được trải nghiệm, tham quan nhiều mô hình nuôi hươu sao công nghiệp tại Trung Quốc, Hàn Quốc… với quy mô trang trại lên đến cả ngàn con.
Chuẩn bị thu hoạch nhung hươu. |
Qua nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, nhận thấy giống hươu sao dễ chăm sóc, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh… nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Từ đó, em nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với nghề nuôi hươu sao lấy nhung.
Để triển khai ý tưởng khởi nghiệp, đầu năm 2019, em đi học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi hươu sao tại tỉnh Hà Tĩnh (địa phương đầu tiên của Việt Nam phát triển nghề nuôi hươu sao). Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại, em quyết định sử dụng số vốn tích lũy cộng với tiền cha mẹ hỗ trợ được 300 triệu đồng mua 20 con hươu giống về nuôi thử ở tại ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo”.
Theo Hoàng Việt, so với các loài gia súc ăn cỏ khác, hươu sao là giống vật nuôi dễ nuôi dưỡng, chăm sóc. Về chuồng trại, có thể tận dụng chuồng bò, chuồng heo cũ cải tạo lại để nuôi hươu theo từng ô (kích thước 2x2m, phía trên có mái che; mỗi ô nuôi 1 con), nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học, không tắm dội nên khá khô thoáng, sạch sẽ; thức ăn chủ yếu của hươu gồm: Cỏ voi, cỏ sả; lá mít, chuối cây; các loại rau, củ, quả, trái cây.
"Nhận thấy đây là mô hình khởi nghiệp hiệu quả, cần được lan tỏa, nhân rộng nên UBND xã rất quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên, thanh niên ở trong và ngoài xã, kể cả ngoài tỉnh đến HTX tham quan, tìm hiểu về mô hình liên kết chăn nuôi hươu an toàn theo chuỗi giá trị. Mô hình này khai thác hiệu quả nguồn thức ăn tại chỗ, giúp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nuôi. Đặc biệt, do ít tốn công chăm sóc và ít rủi ro nên cán bộ, công chức cũng có thể tham gia mô hình…” PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ PHÚ KIẾT VÕ VĂN HIỆP |
Thức ăn tươi được xay nhuyễn hoặc thái nhỏ phối trộn với bắp hạt, nếp, cám gạo; đặc biệt, giai đoạn hươu tạo nhung, cần bổ sung dinh dưỡng (khoai lang, chuối chín) để nâng cao chất lượng nhung. Do hươu thuộc loài động vật hoang dã, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh nên chi phí về thú y không nhiều (chủ yếu xổ lãi, chích ngừa ký sinh trùng máu…).
Qua thời gian nuôi thử nghiệm, nhận thấy giống hươu này thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Tiền Giang nên Hoàng Việt quyết định nhân rộng tổng đàn lên hơn 100 con (gồm 50 con đang sinh sản và 50 con đang chi nhung). Sau thời gian đứng ra vận động, vào tháng 6-2022, HTX Hươu sao Tây Nam bộ chính thức được thành lập, mở ra bước ngoặt mới đối với thanh niên trẻ Nguyễn Hoàng Việt khi chọn ngã rẽ khởi nghiệp nhằm hiện thực hóa ước mơ của mình.
KHAI THÁC GIÁ TRỊ TỪ NHUNG HƯƠU
Theo Hoàng Việt, nghề nuôi hươu giúp mang lại hiệu quả kinh tế bền vững do chi phí đầu tư, chi phí chăn nuôi không quá cao (do không sử dụng thức ăn công nghiệp), rủi ro thấp (ít dịch bệnh). Chi phí đầu tư một con hươu giống khoảng 15 triệu đồng.
Thuần dưỡng hươu giống tại HTX Hươu sao Tây Nam bộ. |
Sau 18 tháng, hươu cái bắt đầu sinh sản (mỗi năm sinh sản một lần, giá bán từ 10 - 15 triệu đồng/hươu con); riêng hươu đực sẽ bắt đầu cho nhung (còn gọi là lộc nhung hay sừng non) sau 24 tháng. Hươu sao có tuổi thọ khoảng 20 năm, thời gian sinh sản và khai thác nhung liên tục trên 10 năm.
Khoảng 8 - 9 tháng thu hoạch nhung một lần, mỗi lần thu hoạch từ 0,5 - 1 kg nhung, giá nhung tươi dao động từ 16 - 20 triệu đồng/kg.
Với mong muốn khai thác hiệu quả giá trị dược liệu từ nhung hươu, vốn được xem là sản vật quý hiếm dùng để tiến vua, Việt đã cùng các thành viên HTX nghiên cứu chế biến sâu, tạo ra một số dòng sản phẩm “nhung hươu tiến vua” đặc trưng gồm: Cao nhung hươu, bột nhung hươu, nhung hươu mật ong, rượu nhung hươu.
Các sản phẩm này giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sinh lực; phát triển trí não, thị lực; chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ; bồi bổ xương khớp; ăn ngủ, hấp thu tốt…; đồng thời phù hợp với người bệnh ở mọi lứa tuổi, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em.
Các sản phẩm này được kiểm nghiệm, đạt các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh, được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Riêng sản phẩm nhung hươu mật ong được bình chọn và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (năm 2023).
Để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, HTX áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn HACCP (môi trường chăn nuôi sạch, thân thiện, hươu được nghe nhạc, thư giãn), hạn chế sử dụng kháng sinh; sử dụng nhung hươu tươi (không sử dụng nhung hươu đông lạnh) có nguồn gốc rõ ràng để phục vụ chế biến.
Bên cạnh thức ăn rau củ, quả, cỏ tươi, tinh bột, Việt còn nghiên cứu trồng một số cây dược liệu như: Sâm đất, sâm bố chính, đinh lăng, cỏ mực… để bổ sung vào khẩu phần của hươu đang cho nhung nhằm tăng cường hàm lượng dinh dưỡng, giúp tăng hoạt tính sinh học cho nhung hươu thương phẩm.
LAN TỎA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP
Hoàng Việt chia sẻ thêm, định hướng phát triển của HTX Hươu sao Tây Nam bộ là trở thành “Thương hiệu hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm bồi bổ sức khỏe từ nhung hươu”. Do đó, HTX tập trung quảng bá và từng bước mở rộng mô hình liên kết với người nuôi hươu theo hướng: HTX cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết bao tiêu đầu ra; đặc biệt, mong muốn của HTX là được lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên cả ở trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.
Thanh niên trẻ Lê Công Thạnh (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) cho biết: Đồng hành cùng anh Việt khởi nghiệp với nghề nuôi hươu sao từ khi HTX chưa thành lập, nhận thấy nghề nuôi hươu giúp mang lại thu nhập ổn định, không mất nhiều thời gian chăm sóc, ít rủi ro nên khi HTX thành lập, em tham gia làm thành viên góp vốn và được HTX hỗ trợ mặt bằng nuôi 10 con hươu (chi phí chia sẻ hằng tháng).
Mỗi năm, thu nhập từ bán con giống và bán nhung cho HTX từ 70 - 80 triệu đồng. Còn anh Huỳnh Phúc Thái (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo) cho biết: “Nhà có trên 2 công đất trồng cỏ nuôi bò, thấy mô hình nuôi hươu của anh Việt phù hợp, tôi mua 5 con về nuôi thử. Sau gần 4 năm nuôi, hiệu quả mang lại khá tốt, trung bình mỗi con cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Đàn hươu của tôi hiện có 8 con (6 cái, 2 đực) nhưng lượng cỏ ăn chỉ bằng 2 con bò, việc chăm sóc cũng khỏe hơn”.
Anh Trần Minh Thắng (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết, qua tìm hiểu trên website của HTX, anh tận dụng chuồng bò cũ mua 6 con hươu trưởng thành của HTX về nuôi thử thấy hiệu quả, hiện tại, hươu mẹ đẻ được 2 con.
Cỏ trong vườn cho hươu ăn không hết nên tôi dự kiến sẽ tăng đàn. Một số hộ ở gần tôi được thông tin HTX cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra với giá ổn định nên rất phấn khởi và muốn tham gia mô hình liên kết.
HUỲNH VĂN XĨ