Thứ Tư, 26/06/2024, 13:25 (GMT+7)
.
TP. MỸ THO HƯỚNG ĐẾN TRUNG TÂM TỔNG HỢP, CHUYÊN NGÀNH:

BÀI 1: Vị thế đắc địa

Với bề dày lịch sử 345 năm, cùng với xu hướng phát triển mới, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đang đứng trước nhiều cơ hội. Song, “kịch bản” phát triển Mỹ Tho theo hướng nào là điều cần được thảo luận, tính toán và dựa trên những lợi thế hiện hữu. Hướng đến trung tâm tổng hợp, chuyên ngành cũng là một trong những tiếp cận đang được ưu tiên lựa chọn đối với đô thị có bề dày lịch sử này.

Từ rất lâu, TP. Mỹ Tho được xem là có vị thế đắc địa đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bởi nơi đây từng là trung tâm kinh tế - chính trị quan trọng của cả vùng. Đặc biệt, về kinh tế, Mỹ Tho cũng từng là trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các tỉnh, thành trong cả nước và ra nước ngoài.

ĐÔ THỊ SẦM UẤT

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, TP. Mỹ Tho là một trong những đô thị có bề dày lịch sử hình thành và phát triển sớm nhất tại Nam bộ. Tại Hội thảo khoa học “Di sản đô thị Mỹ Tho - Tiềm năng và phát triển” được tổ chức nhân sự kiện 340 năm đô thị Mỹ Tho, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho Đặng Thanh Liêm lúc bấy giờ cũng đã nhấn mạnh rằng, nếu tính dấu mốc năm 1679, khi “Mỹ Tho đại phố” ra đời, đô thị Mỹ Tho đã tròn 345 năm.

Ngần ấy thời gian, qua biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước ở vùng đất phương Nam, TP. Mỹ Tho luôn có những đóng góp quan trọng, luôn bứt phá đi lên. Trong dòng chảy lịch sử ấy, Mỹ Tho cũng đã từng được xem là trung tâm trung chuyển của toàn vùng, trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất được thành lập đầu tiên ở Nam bộ.

Mỹ Tho từng là trung tâm trung chuyển quan trọng của cả vùng.
Mỹ Tho từng là trung tâm trung chuyển quan trọng của cả vùng.

Điều quan trọng là hoạt động chủ yếu, nhộn nhịp, sầm uất của “Mỹ Tho đại phố” là thương mại. Còn trong quyển Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã chép lại về sự phồn thịnh của chợ phố lớn Mỹ Tho: “Phía Nam trị sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông, biển đến đậu đông đúc, làm một đại đô hội, rất phồn hoa huyên náo”.

Nghiên cứu vào lịch sử cũng nhận thấy rằng, với vị thế đắc địa, nhất là nhờ sự sung túc, sầm uất của “Mỹ Tho đại phố”, chúa Nguyễn cũng đã cho dời trị sở của dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định (nay thuộc thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành) về thôn Mỹ Chánh - chợ Mỹ Tho ở phía tả ngạn kinh Bảo Định (nay thuộc phường 2 và phường 8, TP. Mỹ Tho) vào năm 1781. Đến năm 1792, thành Mỹ Tho được dựng lên. Lúc bấy giờ cả Nam bộ chỉ có 2 thành được xây dựng với quy mô lớn là thành Mỹ Tho và thành Gia Định.

Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, do đã có phố chợ buôn bán náo nhiệt; đã có hệ thống hành chính hoàn chỉnh và có ngôi thành kiên cố với đội quân thường trực bảo vệ thì Mỹ Tho đã trở thành một đô thị đích thực, vừa là trung tâm kinh tế - thương mại, vừa là trung tâm chính trị - hành chính của dinh Trấn Định nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Trong dòng chảy của lịch sử, những năm đầu thế kỷ XIX, Mỹ Tho tiếp tục phát triển với hoạt động nội ngoại thương rất nhộn nhịp, trở thành một đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế của nước ta. Điều này cũng được thể hiện trong quyển Lịch sử viễn chinh Nam kỳ năm 1861, Léopold Pallu cũng đã viết: “Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mại.

Các ghe thuyền của người Nhật Bản, người Trung Hoa, người An Nam, người Xiêm (Thái Lan) có đáy cạn dễ di chuyển trên sông gần nơi sản xuất gạo, khiến cho Mỹ Tho trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam kỳ, trước khi người Âu đến… Mỹ Tho còn là vựa thóc vừa là thị trường lúa - gạo quan trọng của cả An Nam. Nhờ vào kinh tế phát triển nên đời sống của cư dân Mỹ Tho ngày càng ổn định và có cảnh quan tươi đẹp với nhà cửa khang trang, vườn rộng trù phú.

ĐỊA BÀN TRUNG CHUYỂN QUAN TRỌNG

Nhìn vào lịch sử mới thấy, vào đầu thế kỷ XX, Mỹ Tho đã là địa bàn trung chuyển quan trọng nhất đối với Sài Gòn với các tỉnh miền Tây Nam kỳ và ngược lại bằng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phát triển: Đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, được xem là đường xe lửa được hình thành đầu tiên ở Việt Nam; đường tàu thủy Mỹ Tho - Nam Vang.

Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán ở chợ Mỹ Tho diễn ra rất tấp nập. Cảnh trên bến dưới thuyền của ngôi chợ này cũng được thể hiện trong quyển Nam kỳ phong tục nhơn vận diễn ca: Mỹ Tho nguyên tỉnh Định Tường/ Phía tiền một dãy, phố phường quá đông/ Trên bờ hàng hóa thạnh sung/ Dưới sông ghe đậu chật cùng ngoài trong. Điều này đã thệ hiện sự sung thịnh của “Mỹ Tho đại phố” một thời.

Sự sung thịnh của chợ phố lớn Mỹ Tho cũng phần nào chứng tỏ sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế hàng hóa ở đây đã có những bước phát triển đáng kể. Nông sản không chỉ đủ dùng cho nhu cầu của cư dân Mỹ Tho, mà còn dư ra số lượng lớn, trở thành hàng hóa được buôn bán trên thị trường cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Soi rọi vào từng chặng đường của lịch sử mới thấy rằng, đô thị Mỹ Tho có một vị thế lớn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, vào thế kỷ XVII, do vị thế địa lý, Mỹ Tho đã là một đầu mối giao thương quan trọng bằng đường thủy, nổi tiếng trên bến dưới thuyền. Thuyền buồm từ miền Trung, đảo Hải Nam đã vào đây buôn bán. Ghe bầu miền Trung vào đậu bến Tắm Ngựa bên vàm kinh Bảo Định. Tàu buồm cánh dơi loại lớn của người Hoa ghé vàm Kỳ Hôn, bến Tắm Ngựa.

Các thương thuyền này đã đem lại sự thịnh vượng cho Mỹ Tho cho đến cuối thập niên 1930. Theo đó, vào thời điểm trước thế kỷ XX, thủy trình từ miền Tây lên Sài Gòn đều phải qua Mỹ Tho. Ngõ thứ nhất đi theo kinh Bảo Định, từ Mỹ Tho đến Tân An, qua hai con sông Vàm Cỏ để đến Sài Gòn, dùng cho ghe thuyền nhỏ buôn bán nông sản, đò chèo. Ngõ thứ hai theo hướng kinh Chợ Gạo, từ Mỹ Tho vào vàm Kỳ Hôn, đến Gò Công, theo kinh Nước Mặn về Sài Gòn, dùng cho thuyền lớn, sà lan, bè gỗ, tàu Lục tỉnh, tàu vòng. Ngõ thứ ba ra Cửa Tiểu Gò Công, đi về Cần Giờ, rồi theo sông Soài Rạp vào sông Sài Gòn, dùng cho tàu lớn, tàu hải quân...

Nhìn vào khía cạnh Mỹ Tho là địa bàn trung chuyển quan trọng của khu vực, theo nghiên cứu của TS. Lê Văn Tý, chợ phố lớn Mỹ Tho đóng vai trò trung tâm, điều phối hoạt động thương mại cả khu vực và góp phần hướng nền nông nghiệp ở Nam bộ đi vào sản xuất hàng hóa. Mỹ Tho trong hai thế kỷ XVII và XVIII được mệnh danh là vùng “nhất thóc, nhì cau”. Hai mặt hàng nông sản chủ lực được buôn bán trên thị trường là lúa - gạo và cau. Ngoài ra, còn có tôm, cá và một số thổ sản khác như các loại đậu, quả… Có thể nói rằng, Nam bộ là nơi cung cấp lúa - gạo chủ yếu cho vùng Thuận Hóa và cả miền Trung. Lúa - gạo tập trung ở Mỹ Tho sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc. Sau lúa - gạo, cau là mặt hàng nông sản đứng thứ nhì tiêu thụ rất mạnh trên thị trường.

Còn theo nghiên cứu của ông Nguyễn Thành Lợi, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa - gạo là hàng hóa kinh doanh chính yếu ở chợ Mỹ Tho, nằm ở vị trí “đầu cầu” của miền Tây, đã cung ứng cho các thị trường và xuất khẩu: “Việc thương mại tổng quát của chợ, trước hết là việc xuất cảng lúa - gạo. Lúa - gạo được sơ chế và sau đó được chuyển về địa chỉ của các nhà máy xay xát gạo ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Tại đó, gạo được chà sạch rồi vận chuyển ra Trung kỳ hay Cambốt. Những loại trái cây, lá trầu rang cũng được xuất lên Cambốt”.

Từ đó, các phương tiện giao thông thủy bộ đều được huy động để phục vụ cho việc giao thương ở Mỹ Tho. Thống kê trong giai đoạn này cho thấy, có đến 8.000 chiếc ghe các loại đảm bảo việc buôn bán trong tỉnh; tàu hơi nước của Hãng Năm Sao, tàu Chaloupe, ghe chài của người Hoa, xe lửa phục vụ việc mua bán ngoài tỉnh, nhất là giữa Sài Gòn với Mỹ Tho và các tỉnh Tây Nam bộ. Mỹ Tho nhập về cá khô từ Cambốt; chiếu rơm, đậu khô, phân bón, vôi, nước mắm, đồ gốm, đồ gỗ từ An Nam (Trung kỳ); vải vóc, dầu lửa... từ Sài Gòn và Chợ Lớn.

Như vậy, đã từ rất lâu, Mỹ Tho đã đóng một vai trò rất quan trọng không chỉ đối với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn đối với cả Nam bộ. Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, cùng với cả nước, Mỹ Tho cũng đã không ngừng vươn lên. Những bước đi trong tương lai của Mỹ Tho cũng sẽ được tiếp nối, với nhiều “kịch bản” mới hơn.

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)

.
.
.