Thứ Năm, 06/06/2024, 15:27 (GMT+7)
.

Xoài cát Hòa Lộc - vị ngọt đặc sản Tiền Giang

Năm 2000, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long được hợp long và trở thành một trong những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng miền Tây Nam bộ. Nhưng ít người biết mảnh đất màu mỡ dưới chân cây cầu này cũng là nơi khai sinh thương hiệu trái cây nổi danh không chỉ của tỉnh Tiền Giang mà của cả Việt Nam, đó chính là xoài cát Hòa Lộc.

Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của miệt vườn tỉnh Tiền Giang, có xuất xứ từ xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). Trái xoài cát Hòa Lộc được trồng tại vùng đất này có hương vị thơm ngon rất đặc biệt mà không nơi nào có được và từ lâu đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

HUYỀN TÍCH VỀ XOÀI CÁT HÒA LỘC

Từ TP. Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 1 đến sát chân cầu Mỹ Thuận, không lên cầu mà lòn gầm cầu rẽ trái, men theo đường tỉnh lộ cặp mạn Bắc sông Tiền chừng hơn 1 cây số là đến ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Ấp Hòa xưa vốn là làng Hòa Lộc, tổng Phong Phú, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho vào đầu thế kỷ XX. Qua thời gian, phần diện tích đất làng Hòa Lộc hợp nhất với làng Mỹ Hưng và Mỹ Thuận trở thành xã Hòa Hưng ngày nay.

Đây chính là nơi phát tích câu chuyện về trái xoài thơm ngọt do một người tá điền may mắn trồng được từ thời Pháp thuộc. Theo câu chuyện những người dân trong vùng truyền kể, đây là quê tá điền Nguyễn Văn Lời làm công cho một địa chủ. Một ngày, ông chủ đem về mấy trái xoài, vỏ mỏng như da em bé, thịt mịn như cát, vị ngọt sắc ngập cuống lưỡi. Ông Lời ăn thấy ngon quá liền xin mấy trái đem về nhà trồng lên cây, tạo ra giống xoài cát lừng danh đời đời.

Xoài cát Hòa Lộc, giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của Tiền Giang, có xuất xứ từ xã Hòa Hưng  (huyện Cái Bè).
Xoài cát Hòa Lộc, giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của Tiền Giang, có xuất xứ từ xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè).

Tuy nhiên, cũng có lời truyền kể, người đầu tiên được thưởng thức vị ngon của trái xoài cát Hòa Lộc là ông hội đồng Chí, nhà ở khu vực làng Mỹ Hưng, sát bên làng Hòa Lộc khi xưa. Thuở ấy, trái ngon vật lạ còn khá hiếm, mỗi khi có đều thường trở thành lễ vật cúng đình và sau đó chia ra cho những chức sắc trong làng. Sau một buổi cúng đình, ông hội đồng Chí đem về mấy trái xoài, ăn ngon quá nên bảo ông Lời lấy hột đem gieo trồng.

Ông Lời lúc này đang làm mướn, được cho miếng đất cất nhà riêng trong vườn hội đồng Chí, liền trồng lên được 4 cây xoài, trong đó có 1 cây nằm ngay trước căn nhà mà ông Lời được cho đất. Khi cây xoài ra trái, ông hội đồng Chí ăn thấy ngon mà tiếc cây xoài nằm trong đất nhà đã cho ông Lời nên mới đòi lại miếng đất này để sở hữu độc quyền giống xoài quý. Vì tức bởi đất cho mà bị lấy lại nên ông Lời liền đợi hái được mấy trái xoài ngon làm giống, rồi đổ phết vôi vào mấy gốc xoài cho chết hết. Rồi ông Lời về lại làng Hòa Lộc, gieo trồng thì được cây trái sum sê. Danh tiếng xoài cát Hòa Lộc cũng bắt đầu từ đây.

Vào tháng 11-2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Cái Bè tổ chức công bố Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng thuộc Đề tài "Công nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè”. Vườn cây đầu dòng xoài cát Hòa Lộc được trồng trên diện tích 0,9 ha ở ấp Bình, xã Hòa Hưng với 200 cây có độ tuổi từ 8 - 10 năm. Đề tài đã chọn 50 cây có độ đồng đều, cùng năm tuổi đủ điều kiện theo dõi thu thập chỉ tiêu để đăng ký chứng nhận vườn đầu dòng, đánh mã số cây và sơ đồ hóa hệ thống vườn để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý. Các khâu chăm sóc cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng đảm bảo đúng quy trình sản xuất. Vườn cây đầu dòng xoài cát Hòa Lộc được công nhận sẽ góp phần tạo nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện Cái Bè, tăng hiệu quả kinh tế cho các chủ vườn, bảo tồn nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Những cây xoài giống đầu tiên của ông Lời trồng ra trái vào đúng dịp chính quyền Pháp tổ chức đấu xảo chọn trái cây ngon, và dĩ nhiên giống xoài cát Hòa Lộc thơm ngọt đoạt giải. Vốn hiếm, thứ trái này càng quý hơn. Ngay cả những người trong làng Hòa Lộc bấy giờ cũng không dễ gì có mà ăn. May sao, lúc này trái xoài cát Hòa Lộc trở thành lễ vật trong đám cưới người em trai thứ mười của ông Lời và bà cô ruột là chị Ba của cha ông Khoa, chủ một vườn xoài nằm bên mép nước sông Tiền ở tổ 8, ấp Hòa, xã Hòa Hưng hiện vẫn còn 2 cây xoài cát Hòa Lộc lâu năm nhất mà những người dân trong vùng biết đến.

Theo gia đình ông Khoa kể lại, từ lứa cây giống xoài cát Hòa Lộc trồng được nhờ lễ vật, nhiều năm sau, cha ông Khoa tiếp tục trồng lứa xoài thứ hai. Và 2 cây xoài cát Hòa Lộc hơn 70 năm tuổi trong vườn nhà ông Khoa là 2 cây còn sót lại từ đợt trồng này. Hiện tại, đây là 2 cây xoài cát Hòa Lộc có nhiều năm tuổi nhất, vẫn đang cực kỳ sung quả, mỗi mùa cây vẫn cho cả trăm kg trái, cao hơn cả những cây xoài cát Hòa Lộc trồng 30, 40 năm sau này.

ĐƯA HƯƠNG VỊ XOÀI CÁT HÒA LỘC NGÀY CÀNG BAY XA

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích trồng xoài lên 3.660 ha, tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Trong đó, riêng diện tích xoài cát Hòa Lộc chuyên canh đạt khoảng 260 ha, tập trung tại huyện Cái Bè, cho sản lượng mỗi năm gần 3.000 tấn trái. Theo nhiều người dân trồng xoài cát Hòa Lộc, mùa xoài cát Hòa Lộc thông thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch. Hiện nay, người trồng đã tăng thêm mùa vụ từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Giống xoài này từ khi còn cây non vừa ra lá đã có thể phân biệt được với các giống xoài khác, với đuôi lá thon nhọn, ngoặc sang bên và cong lượn sóng. Vân lá cũng dày cộm hơn các lá xoài khác rất nhiều. Đặc biệt khi vo lá nát ra thì sẽ có ngay hương thơm đặc trưng của giống xoài cát Hòa Lộc vương trên tay.

Còn trái xoài cát Hòa Lộc căng chắc, phần cuống trái bầu tròn, phía đuôi trái nhọn, thân trái uốn thon mềm mại và đặc biệt là vỏ rất mỏng, màu vàng tươi, có cả lớp phấn trắng mịn phủ trên tạo cảm giác êm mướt; dày thịt, mịn dẻo, ráo nước và rất ít xơ. Hương vị thì ngọt ngào thanh dịu. Mỗi trái khoảng 450 gram là chuẩn nhất.

Với những đặc điểm đó, giống xoài cát Hòa Lộc từng đoạt giải trong Hội thi Cây giống xoài tốt do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4-1996. Đến nay, những cây xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè vẫn cho ra trái giữ được đúng hương vị gốc thơm ngon nhất, dù giống xoài này đã được nhân rộng, trồng trên nhiều vùng cả nước. Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý xuất xứ xoài cát Hòa Lộc theo Quyết định 1737 ngày 3-9-2009.  Khu vực chỉ dẫn địa lý sản phẩm xoài cát Hòa Lộc gồm địa bàn 13 xã của huyện Cái Bè, gồm: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A.

Huyện Cái Bè cũng đã thành lập Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng - một bước đi quan trọng giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo tiền đề cho cây xoài phát triển bền vững. Đến nay, hợp tác xã có hơn 100 thành viên, diện tích canh tác gần 70 ha, trong đó có nhiều ha xoài đạt chứng nhận VietGAP. Xoài cát Hòa Lộc chuyên canh, sản lượng xoài cho thu hoạch hằng năm gần 1.000 tấn trái cung ứng thị trường. Đồng thời, hợp tác xã cũng đã được cấp mã số vùng trồng xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu với 36 hộ, diện tích trên 22 ha; tiếp tục lập hồ sơ chờ cấp mã số trên diện tích còn lại trong thời gian tới.

Đồng thời, trong nỗ lực khuyếch trương thương hiệu trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh, nâng sức cạnh tranh của trái xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong nước và xuất khẩu, Tiền Giang đã triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển toàn diện xoài cát Hòa Lộc. Song song đó, gắn phát triển vùng chuyên canh với du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm... Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển  khai thực hiện Dự án Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hiện tại, xoài cát Hòa Lộc đã được xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc. Riêng thị trường Trung Quốc đã có gần 41 ha xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, trong đó có trên 22 ha xoài cát Hòa Lộc của 36 hộ nông dân. Từ đó, mở ra tương lai phát triển bền vững cho vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc tại tỉnh Tiền Giang, tăng thêm nguồn cung nông sản hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, giúp nông dân tạo dựng cơ nghiệp, ổn định cuộc sống và xây dựng nông thôn mới thành công. Huyện Cái Bè, quê hương trái xoài cát Hòa Lộc đã xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Thành quả đó có đóng góp quan trọng của vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc.

HỮU NGHỊ

.
.
Liên kết hữu ích
.