Thứ Tư, 03/07/2024, 10:06 (GMT+7)
.

Những gương sáng trong phát triển kinh tế

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Tân Phước nói riêng hiện có nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ không ngừng lao động, sáng tạo, nuôi dưỡng ý chí, khát vọng làm giàu, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước.

TỎA SÁNG PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

Bằng ý chí và nghị lực của người lính, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, cựu chiến binh (CCB) Mai Văn Bảy (ấp Tân Vinh, xã Tân Lập 2) đã trở thành một tấm gương điển hình về CCB làm kinh tế giỏi.

Sinh ra ở xã Tân Hội Đông (huyện Châu Thành), như bao chàng trai trẻ yêu nước khác, chú Mai Văn Bảy cũng tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Năm 1990, chú Bảy xuất ngũ trở về quê hương; đến năm 1992, chú đưa gia đình vào vùng đất mới Tân Lập 2 (huyện Tân Phước) lập nghiệp.

Ban đầu khởi nghiệp, vợ chồng chú Bảy chỉ khai phá vài công đất để trồng khóm. Nhờ chăm chỉ lao động, sống tiết kiệm, biết “tích tiểu thành đại”, đến nay gia đình chú Bảy đã mở rộng diện tích canh tác khóm lên 1,4 ha.

Chú Bảy chia sẻ: "Những năm mới vào đây, tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, dịch bệnh. Có thời điểm tôi cảm thấy chùn bước trước khó khăn, đặc biệt về sức khỏe, nhưng rồi được sự động viên của người thân, gia đình, đồng đội, nên đã tiếp tục cố gắng vượt khó, vươn lên".

CCB Mai Văn Bảy.
CCB Mai Văn Bảy.

Được biết, khi bắt đầu trồng khóm, chú Bảy vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mua cây giống, mua bò để nuôi. Ngoài ra, chú Bảy còn tận dụng đất xung quanh nhà trồng vài chục cây dừa, cây mít để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chú Bảy cho biết, nhờ khóm có giá mà vừa qua, gia đình đã xây dựng căn nhà tương đối khang trang.

Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo diện tích trồng khóm để đạt năng suất cao. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện; chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh chăm sóc gia đình, vợ chú Bảy còn tận dụng thời gian đan đệm bàng để có thêm thu nhập.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, vợ chồng chú Bảy còn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ hàng xóm, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn...

Nói về chú Bảy, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Lập 2 Ngô Tấn Đạt cho biết: “CCB Mai Văn Bảy là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của Hội CCB xã. Bằng sự nỗ lực vươn lên, tích cực tìm tòi, học hỏi cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm; hiện nay, chú Bảy đã xây dựng thành công mô hình trồng khóm, vươn lên ổn định cuộc sống”.

PHÁT HUY TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

Đến Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng ấp 3, xã Tân Hòa Thành, chúng tôi thấy chị Nguyễn Thị Bé Hai lúc nào cũng tất bật kiểm tra các sản phẩm đan từ cọng bàng, với tinh thần chất lượng sản phẩm là trên hết.

Quê tận tỉnh Vĩnh Long, chị Bé Hai theo chồng về xã Tân Hòa Thành sinh sống. Chị Bé Hai cho biết: “Có kiến thức về y tế, chị xin vào công tác tại Trạm Y tế xã. Sau đó, chị tham gia Hội Phụ nữ xã. Ban ngày làm ở Trạm Y tế, chiều chị nhận thêm bàng về nhà đan. Nhờ chịu khó lao động, sau bao năm vất vả, hiện tại gia đình có hơn 5 ha trồng khóm; hơn 600 gốc dừa và chanh đang cho trái.

Chị Nguyễn Thị Bé Hai (bên phải) tận tình hướng dẫn chị em phụ nữ đan bàng.
Chị Nguyễn Thị Bé Hai (bên phải) tận tình hướng dẫn chị em phụ nữ đan bàng.

Với bản tính nhanh nhạy, hoạt bát, không bao lâu chị Bé Hai đã thành thạo với công việc đan bàng. Năm 2023, Hội Phụ nữ xã thành lập Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng với 30 thành viên, chị Bé Hai làm tổ trưởng. Chị đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để đầu tư mua các vật liệu như bàng, hoa vải để kết lên các sản phẩm nón bàng…

Không chỉ quản lý Tổ, chị Bé Hai còn trực tiếp hướng dẫn những lao động mới, tìm đầu ra và luôn sáng tạo, thiết kế nhiều mẫu mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn hàng ngày càng nhiều, Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng của chị Bé Hai đã tạo việc làm cho chị em lao động nông nhàn tại địa phương.

Thoăn thoắt đan từng cọng bàng, cô Dương Thị Diệu (54 tuổi) chia sẻ: “Bản thân không có việc làm ổn định nên chỉ ở nhà lo việc nhà, đưa rước con đi học. Từ khi tham gia đan bàng gia công tôi kiếm thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, rất phù hợp đối với phụ nữ ở nông thôn”.

Nói về những dự định sắp tới, chị Bé Hai cho biết: Tôi rất mong muốn sản phẩm của Tổ phụ nữ đan bàng sẽ có thương hiệu trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho chị em. Nghề đan bàng cần sự tỉ mỉ, khéo léo và cả kiên nhẫn nên phù hợp với phụ nữ.

Trung bình cứ 2 tuần là chị em tập hợp lại để giao hàng và nhận nguyên liệu về đan tiếp. Khi có mẫu mới sẽ được hướng dẫn kỹ thuật đan vài ngày cho chị em rành rồi nhận nguyên liệu về đan. Đây là nghề rất phù hợp để kiếm thêm thu nhập trong những lúc nhàn rỗi.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: Chị Bé Hai vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3 nhiệt tình trong hoạt động Hội, vừa là người phụ nữ cần cù trong lao động, phát triển kinh tế gia đình.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng đã giúp chị em phụ nữ yên tâm làm ăn ở địa phương, thay vì phải đi xa kiếm sống. Mô hình đan bàng thật sự rất ý nghĩa, giúp chị em phụ nữ tự tin khởi nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn…

SỚM MAI

.
.
.