Tiền Giang: Dấu hiệu tích cực từ xuất khẩu
(ABO) Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tiếp tục đà tăng trưởng cho thấy dấu hiệu hồi phục sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần rõ nét hơn, đáng chú ý là các nhóm mặt hàng chủ lực của tỉnh Tiền Giang.
THỦY SẢN HỒI PHỤC
Trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của Tiền Giang, nhóm hàng nông, thủy sản đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản quay lại đà tăng trưởng sau thời gian gặp khó khăn do nhiều yếu tố tác động của năm 2023.
Theo đó, sản lượng xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 69.183 tấn, với kim ngạch đạt hơn 164 triệu USD, tăng hơn 5% về lượng và tăng gần 8% về về trị giá so với cùng kỳ. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra phi lê (chiếm hơn 79%), còn lại là các thủy sản khác như nghêu, sò, mực, ếch, thủy sản đóng hộp, chả cá.
Xuất khẩu thủy sản đang hồi phục ấn tượng. |
Về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là đối với mặt hàng cá tra, ở châu Á, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của tỉnh, chiếm hơn 28%, kế đến là thị trường Nhật Bản chiếm hơn 3,5%, Singapore chiếm hơn 2,3%; đối với thị trường châu Mỹ, Hoa Kỳ chiếm hơn 16%; Brazil, Mexico và Canada chiếm hơn 6,17%. Tại thị trường châu Âu, đối với thị trường EU chiếm hơn 13%; Anh chiếm hơn 6,6%...
Thống kê của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng hơn 8,4% so với cùng kỳ và đạt 58% so với kế hoạch năm 2024; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 89%. Hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, chiếm hơn 21%; tiếp đến là thị trường Nga, chiếm 12%; Ấn Độ chiếm hơn 10%; Trung Quốc chiếm hơn 7%... trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. |
Phân tích thêm về những tín hiệu của thị trường xuất khẩu thủy sản, Tổng Giám đốc GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho) Nguyễn Văn Đạo cho biết, xuất khẩu thủy sản thời gian qua dù khó khăn nhưng công ty vẫn xác định thuận lợi vẫn là cơ bản nhờ tín hiệu từ những tháng cuối năm 2023 bước sang năm 2024 thông qua việc thị trường ấm dần lên. Nhờ đó, đơn hàng cho năm 2024 của công ty rất dồi dào do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao.
"Với đà như hiện nay, công ty cũng tính toán đặt ra chỉ tiêu năm 2024 là doanh thu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, tiếp tục tăng công suất khoảng 30% khi dự án mới chính thức đi vào hoạt động. Tất nhiên, trước khó khăn chung công ty sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, đa dạng sản phẩm, đa dạng mặt hàng để tạo cơ hội phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo"- ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.
TẬN DỤNG LỢI THẾ
Một trong những điểm sáng khác trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua là thông qua kuất khẩu hàng rau quả, đặc biệt là đối với xuất khẩu trái cây. Con số thống kê của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho thấy, xuất khẩu rau quả của Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 17.527 tấn, với kim ngạch đạt 35,8 triệu USD, tăng hơn 85% về lượng và tăng 88% về trị giá. Xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là trái cây, hiện đã xuất đi các thị trường Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả.
Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu của Tiền Giang thời gian gần đây có sự đóng góp không nhỏ của nhóm hàng trái cây, trọng điểm là xuất khẩu sầu riêng, nhất là sau khi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7-2022 đến nay.
Sầu riêng đóng góp tích cực trong cơ cấu xuất khẩu rau quả của tỉnh Tiền Giang. |
Phân tích thêm về những thuận lợi trong xuất khẩu ra quả, đặc biệt là trái cây, trao đổi gần đây Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng, điểm thuận lợi là về mặt nhận thức và tư duy đã có sự thay đổi từ tuy duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; nhà vườn đã từng bước quan tâm đến thị trường, mùa vụ gắn với giá cả đầu ra; dành thời gian và chi phí để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến; tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ và hệ thống thương mại hiện đại; quan tâm kết nối với các đối tác nước ngoài…
Bên cạnh đó, về dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất cũng đã có những thay đổi tích cực từ khâu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đến các loại vật tư, phân bón, trang thiết bị phục vụ thu hoạch, đóng gói, vận chuyển…; kết hợp với hệ thống các tiện tích về kỹ thuật, dịch vụ tài chính, viễn thông, mạng xã hội,…ngày càng được nâng cấp, mở rộng, đa dạng, tiện dụng… góp phần giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất và tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.
Riêng về mặt cơ chế chính sách, đồng chí Lưu Văn Phi cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và chính quyền các địa phương đã có sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời, chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh. Công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước có những chuyển biến tích cực, góp phần vào quảng bá và giới thiệu các loại trái cây của nước ta đến người tiêu dùng trên thế giới. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu được tăng cường thực hiện theo quy định thúc đẩy thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, dần chú trọng áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị cạnh tranh và bảo vệ môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
TT