Thứ Sáu, 05/07/2024, 11:30 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Doanh nghiệp phục hồi tích cực

So với năm 2023 đầy khó khăn, trong những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi.

Dấu hiệu đáng ghi nhận là nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô SX-KD nên tiếp tục tuyển dụng thêm lao động.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Guồng quay mới của các doanh nghiệp bắt đầu trở lại sau thời gian gặp nhiều khó khăn do tác động của nhiều yếu tố. Sau khi ổn định, các doanh nghiệp bắt đầu tính toán đến phương án đầu tư, mở rộng SX-KD. Đề cập đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Liu Bin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Long Giang, huyện Tân Phước) cho biết, công ty chuyên sản xuất dòng lốp xe địa hình, với sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu.

Hoạt động SX-KD của các doanh nghiệp đang trên đà hồi phục.
Hoạt động SX-KD của các doanh nghiệp đang trên đà hồi phục.

Công ty hiện có gần 1.200 nhân viên. Thời gian qua, với mục tiêu sản xuất và bán hàng giai đoạn 1, 2 của dự án đã được thành công; giai đoạn thứ 3 của dự án cũng sẽ được triển khai trong năm 2024, dự kiến sẽ tạo ra khoảng 600 việc làm mới cho người lao động. “Để phục vụ nhu cầu SX-KD, công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng lao động để tạo thêm việc làm cho tỉnh, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh”- ông Liu Bin cho biết.

Trong lĩnh vực may mặc, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng dần ổn định trở lại sau thời gian gặp khó khăn, dấu hiệu tích cực là gần đây có nhiều đơn hàng mới. Chẳng hạn, Công ty TNHH Choi & Shin’s Vina (TP. Mỹ Tho) hoạt động trong lĩnh vực may mặc.

Vẫn còn một số điểm nghẽn

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động của các doanh nghiệp khởi sắc trở lại so với năm 2023.

Thị trường trong nước và thế giới dần tốt hơn. Một số doanh nghiệp có đơn hàng trở lại. Cụ thể, trong năm 2023, các doanh nghiệp thủy sản rất khó khăn trong đơn hàng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, các doanh nghiệp này đã có đơn hàng. Riêng các mặt hàng sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây rất thuận lợi. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên các lĩnh vực như: Chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… đơn hàng cũng đã có trở lại. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024.

Do đó, tốc độ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm của tỉnh tương đối tốt và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn, tập trung vào các điểm nghẽn.

Thứ nhất là liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do các ngân hàng xem xét rất kỹ các dự án để cấp vốn. Khó khăn thứ hai nằm ở khâu thủ tục hành chính. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng, song điều này đòi hỏi phải có thời gian. Ngoài ra, vấn đề về đất đai cũng là nguyên nhân gây khó cho các doanh nghiệp trong phát triển…

Cũng theo đồng chí Lưu Văn Phi, trong thời gian tới, đơn vị sẽ cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình SX-KD. Những thủ tục hành chính nào liên quan đến Sở Công thương sẽ cố gắng giải quyết nhanh, liên quan đến vấn đề đầu tư, phát triển sản xuất, xuất khẩu.

Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhanh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như kế hoạch phát triển của ngành Công thương năm 2024, liên quan đến hoạt động về phát triển công nghiệp, khuyến công, xúc tiến thương mại.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Ngành Công thương sẽ tập trung vào những ngành hàng thế mạnh, đẩy nhanh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để giúp doanh nghiệp có đơn hàng và tìm thị trường mới nhằm phát triển SX-KD.

Năm 2023, doanh nghiệp gặp khó khăn do không có đơn hàng, phải cho công nhân giảm thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động. Khi đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã trao hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, người lao động gặp khó khăn nhằm động viên đoàn viên, công nhân, lao động ổn định cuộc sống và tiếp tục cố gắng lao động SX-KD.

Theo đại diện công ty, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dần ổn định. Hiện công ty đang đáp ứng các đơn hàng đến tháng 8, 9-2024. Sau đó công ty sẽ tiếp tục nhận thêm các đơn hàng mới để sản xuất cho đến cuối năm. “Công ty có đơn hàng, công nhân có việc làm và thu nhập ổn định nên rất phấn khởi.

Hiện doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm 300 công nhân may, với mức lương cơ bản từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn có thêm nhiều chế độ phúc lợi, đãi ngộ khác cho công nhân” - đại diện Công ty TNHH Choi & Shin’s Vina cho biết.

Nằm trong xu thế chung, tình hình hoạt động SX-KD của nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu chuyển hướng tích cực hơn. Đơn hàng khá hơn, hoạt động dần ổn định hơn sẽ là nền tảng cơ bản để các doanh nghiệp tính toán các chiến lược SX-KD mang tính dài hơi hơn.

Theo đại diện Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam (KCN Tân Hương, huyện Châu Thành), so với năm 2023, tình hình đơn hàng năm nay rất tốt. Trong nửa đầu năm 2024, đơn hàng của nhà máy ổn định và có kế hoạch làm đến cuối năm. Hiện tại, để đáp ứng đơn hàng của đối tác, công ty cần tuyển thêm 1.000 công nhân may có tay nghề hoặc vào đào tạo.

TÍNH TOÁN DÀI HƠI

Nhờ vào các tín hiệu mới của thị trường, đây là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu tính toán cho các chiến lược SX-KD  mang tính dài hơi hơn. Theo đại diện Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (KCN Long Giang), năm 2023, tình hình kinh tế thế giới đã làm ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng của nhà máy. Với sự cố gắng của ban lãnh đạo công ty và sự đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên, Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn và dần phục hồi mạnh mẽ.

Năm 2024, doanh nghiệp đưa ra mục tiêu sản xuất 17 triệu đôi giày, 3 triệu đôi dép và hơn 2 triệu đôi dép 3D, sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động trong tỉnh. Công ty luôn xác định người lao động là tài sản quý giá.

Do đó, công ty luôn ưu tiên hàng đầu về cải tiến chất lượng cuộc sống, môi trường làm việc cho cán bộ, công nhân viên. Theo đó, nhiều chính sách phúc lợi được ban hành, nhiều nhà máy mới với điều kiện làm việc đạt chuẩn đã đưa vào hoạt động. 6 tháng cuối năm 2024 là mùa cao điểm của SX-KD nên doanh nghiệp tuyển dụng thường xuyên từ 500 - 600 người/tháng.

Đánh giá trên bình diện tổng thể hơn, bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang cho biết, hiện KCN thu hút được 54 dự án đầu tư. Các doanh nghiệp trong KCN Long Giang có khoảng 25.000 lao động đang làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình SX-KD của các doanh nghiệp trong KCN vẫn ổn định, có nhiều đơn hàng và đang tuyển dụng thêm nhiều nhân sự cho các dự án mở rộng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, KCN Long Giang thu hút được 2 dự án mới và 1 dự án mở rộng.

Hiện các doanh nghiệp giày da, may mặc trong KCN vẫn hoạt động ổn định, mở rộng dự án sang giai đoạn 2, 3 và có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động. “Trong thời gian tới, KCN Long Giang sẽ không ngừng hoàn thiện các tiện ích hạ tầng trong KCN, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Cụ thể, KCN sẽ tăng công suất cung cấp nước và điện”- bà Trần Thị Ngọc Dung cho biết.

Còn theo đánh giá của Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường, 6 tháng đầu năm, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong KCN tốt hơn nhiều so với năm 2023. Hầu hết các DN đều có đơn hàng đến hết quý III-2024.

Tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng tăng hơn so với năm 2023. Những doanh nghiệp giày da, dệt may gặp khó khăn trong năm 2023 hiện đã phục hồi tốt và có đơn hàng trở lại.

A. PHƯƠNG - L. OANH - A. THƯ

.
.
.