Thứ Sáu, 26/07/2024, 19:05 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nâng tầm thương hiệu Sa pô Mặc Bắc Kim Sơn

Cây sa pô chê nổi tiếng ở vùng đất Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với giống Sa pô Mặc Bắc; trái to, thơm, quả ngọt trở thành đặc sản không chỉ của huyện, mà đang được phân phối rộng ở thị trường trong nước; đồng thời, khi có điều kiện thuận lợi sẽ xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ KHÁ

Cây sa pô chê được trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là giống sa pô Mặc Bắc (còn gọi là hồng xiêm), từ lâu đã tạo được uy tín, chất lượng với thương hiệu Sa pô Mặc Bắc Kim Sơn. Cây sa pô dễ trồng, chịu hạn - mặn tốt, cho trái hầu như quanh năm nên năng suất, sản lượng cao.

Chị Bùi Ngọc Hương đang chăm sóc vườn sa pô của gia đình.
Chị Bùi Ngọc Hương đang chăm sóc vườn sa pô của gia đình.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong 6 tháng đầu năm 2024, cây sa pô cho năng suất khoảng 13,01 tấn/ha, sản lượng 37.836 tấn, giá bán từ đầu năm 2024 đến nay luôn ổn định mức khá cao, từ 15.000 đến 22.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người trồng.

Anh Nguyễn Văn Bình (ấp Hội, xã Kim Sơn) có nhiều năm kinh nghiệm trồng cây sa pô Mặc Bắc, cho biết gia đình có 1,5 ha đất trồng chuyên canh sa pô giống Mặc Bắc từ 12 năm tuổi đến gần 30 năm tuổi. Cây sa pô dễ trồng, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 4 đến 5 năm, cây cho năng suất cao và chất lượng tốt là từ 7 đến 10 năm.

Cây sa pô dễ trồng nhưng người trồng phải cần cù, siêng năng, thường xuyên theo dõi sâu bệnh trên thân, trái, cắt tỉa cành, tỉa trái cho trái to, ít sâu bệnh, kết hợp với bón phân hữu cơ, sinh học để cây được tươi tốt, mang lại hiệu quả, năng suất, chất lượng cao.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, tích lũy kinh nghiệm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật của xã, huyện phối hợp với các ngành chuyên môn mà nhiều năm qua, vườn sa pô của gia đình anh luôn tươi tốt, cho trái đạt loại 1 trên 80%.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá sa pô Mặc Bắc ổn định từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, nên cho thu nhập khá. Mỗi công sa pô sau khi trừ chi phí, gia đình anh Bình thu lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Anh Bình cho biết thêm, nhờ trồng sa pô mà gia đình anh có cuộc sống ổn định, kinh tế khá lên. Hơn 10 năm trước, gia đình anh đã mua thêm 7 công đất tiếp tục trồng sa pô.

Chị Bùi Ngọc Hương (ấp Hội, xã Kim Sơn) cho biết, gia đình chị có 1 ha trồng chuyên canh sa pô Mặc Bắc từ 17 năm tuổi đến 25 năm tuổi. Trước đây, gia đình chị trồng vú sữa; sau nhiều năm trồng, cây vú sữa lão hóa, cho thu nhập thấp. Từ khi chuyển sang trồng sa pô Mặc Bắc, thu nhập của gia đình được cải thiện. Chị Hương cho biết thêm, với giá ổn định ở mức cao như hiện nay, người trồng sa pô rất phấn khởi.

NÂNG TẦM THƯƠNG HIỆU

Theo Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Trần Văn Hải, sa pô là cây trồng chủ lực và thế mạnh của địa phương, chiếm trên 600 ha/780 ha cây ăn trái của xã. Nhiều năm qua, diện tích sa pô (giống sa pô Mặc Bắc là chủ yếu) luôn được giữ vững. Đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế khá cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện xã có 4 tổ hợp tác sa pô với 65 thành viên và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, có 55 thành viên. Hằng năm, UBND xã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện, tỉnh mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái theo hướng VietGAP cho người dân trên địa bàn xã.

Trước đây, người trồng phải chùi rửa trái sa pô bằng tay, giờ đã có máy rất tiện lợi, đỡ mất nhân công, bán được giá cao hơn so với trái sa pô chưa được chùi bóng.

Hiện tại, thương lái thu mua sa pô loại 1 giá 21.000 đồng/kg, sa pô loại 2 khoảng 9.000 đến 10.000 đồng/kg (trái sa pô đã được chùi bóng), cao hơn trung bình hằng năm khoảng 4.000 ngàn đồng.

Hiện tại, xã có diện tích chứng nhận VietGAP 23,42 ha với 53 hộ. Ngoài ra, UBND xã phối hợp cùng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn đang triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ trái sa pô trên diện tích 20 ha và chuẩn bị cho cấp mã số vùng trồng.

Trong thời gian tới, UBND xã đăng ký OCOP cho sản phẩm sa pô Mặc Bắc Kim Sơn, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm sa pô Mặc Bắc Kim Sơn trong nước và khi có điều kiện xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cây sa pô đã có từ rất lâu ở vùng đất Châu Thành. Từ những năm 2000 đến năm 2019, diện tích sa pô tăng nhanh; từ năm 2020 đến nay, diện tích bảo hòa, hiện toàn huyện khoảng 3.500 ha sa pô, tập trung chủ yếu ở các xã: Kim Sơn, Phú Phong và Bàn Long.

Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức trên 100 cuộc tập huấn cho các xã về kỹ thuật canh tác trên cây ăn trái nói chung và cây sa pô nói riêng theo hướng VietGAP.

Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành tiếp tục duy trì diện tích sa pô hiện có, tăng cường phối hợp với các viện, trường, trung tâm… thực hiện các mô hình trồng sa pô theo hướng VietGAP để gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đăng ký cấp mã số vùng trồng, xây dựng dự án liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trái sa pô. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành lập hồ sơ để sản phẩm sa pô Mặc Bắc được công nhận là sản phẩm OCOP, nhằm đưa trái sa pô vào siêu thị và tiến tới đi thị trường nước ngoài khi có điều kiện.

HỮU THÔNG

.
.
.