Thứ Sáu, 19/07/2024, 15:21 (GMT+7)
.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm

(ABO) Sáng 19-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

a
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Tại hội nghị, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022, Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 29, Thái Lan xếp thứ 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.

a
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu chính (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến).

Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước năm 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần). Đồng thời, về phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6-2024 là 18,5%...

Bên cạnh đó, hội nghị đã thảo luận về các giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số, tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

a
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiên phong gương mẫu để thúc đẩy chuyển đổi số với tinh thần quyết tâm, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn và quyết liệt hơn nhằm đạt hiệu quả cao nhất; phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số; tập trung thêm nguồn lực cho chuyển đổi số phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; phát triển hạ tầng số một cách toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, đạt hiệu quả; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính sáng tạo của các cấp, các ngành và tăng cường phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin cho và chống tiêu cực, tham nhũng trong chuyển đổi số…

LÊ MINH

.
.
.