Thứ Hai, 08/07/2024, 13:54 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho: Đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Trong thời gian qua, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa nông sản của thành phố đến với thị trường trong và ngoài nước.

Thực hiện Kế hoạch 380 ngày 7-12-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND TP. Mỹ Tho đã ban hành Kế hoạch 6852 ngày 30-12-2022 thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và triển khai đến các phòng, ban, ngành, UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố. Thành phố còn thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP trên địa bàn TP. Mỹ Tho giai đoạn 2023 - 2025. Ngoài ra, UBND TP. Mỹ Tho còn chỉ đạo UBND các phường, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất tham gia chương trình trong các buổi họp dân, họp lệ kỳ… được 69 cuộc với hơn 2.380 lượt người tham dự; tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh phường, xã với 91 buổi phát sóng.

Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của TP. Mỹ Tho
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của TP. Mỹ Tho.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện; nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.

Sau nhiều nỗ lực, những nông sản đặc trưng của địa phương thuộc TP. Mỹ Tho đã bắt đầu định danh trên thị trường. Cụ thể, qua kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố, trong năm 2023, trên địa bàn TP. Mỹ Tho, Hội đồng đánh giá cấp thành phố thực hiện đánh giá 18 sản phẩm OCOP của các đơn vị gồm: Công ty TNHH Thương mại HK (sản phẩm Gạo Chú Kẹo); Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trí Sơn (sản phẩm Longsonest yến chưng đông trùng hạ thảo 39%, nước yến, tổ yến tinh chế, xoài sấy dẻo); cơ sở bánh, kẹo, mứt Anh Quí (sản phẩm: Kẹo chuối tươi, kẹo dừa trái cây, mứt bí, mứt dừa sữa, mứt gừng, mứt Mãng cầu); cơ sở nem - chả lụa Ngọc Thành (sản phẩm chả lụa Ngọc Thành, nem Huế Ngọc Thành); cơ sở Huỳnh Thảo (sản phẩm bưởi da xanh)...

Trong đó, 13 sản phẩm được Hội đồng thành phố đánh giá sản phẩm cấp thành phố chứng nhận đạt từ 3 sao và 5 sản phẩm trình Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tỉnh đánh giá 4 sao. Ngoài ra, các đơn vị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được hỗ trợ tem chứng nhận OCOP. Các đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang tại Cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trí Sơn (số 1279, Quốc lộ 50, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho).

Có thể nói, Chương trình OCOP của TP. Mỹ Tho đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

THANH TÙNG - T.H

.
.
.