Thứ Hai, 08/07/2024, 12:49 (GMT+7)
.

Từ cây mọc hoang đến sản phẩm OCOP

Từng là cây mọc hoang bạt ngàn trên vùng đất phèn Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, giờ đây cây bàng không chỉ là cây nguyên liệu, mà còn được nông dân trồng và cho thu nhập khá cao.

Các sản phẩm từ cây bàng ngày càng được nâng tầm về chất, đa dạng về loại và mẫu mã. Các sản phẩm từ cây bàng đã không còn là của riêng người dân Tân Phước, mà đang được sử dụng nhiều nơi trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

TRỒNG LẠI CÂY MỌC HOANG

Theo người dân địa phương, cây bàng (còn gọi là cây bàng buông) vốn là cây cỏ mọc hoang thích hợp với vùng đất phèn và đã có từ rất lâu ở vùng đất Tân Phước. Trước đây, cây cỏ bàng mọc tự nhiên thành những cánh đồng, cây có thân cỏ, mình tròn to gần bằng đầu đũa, rỗng ruột, cao từ 1,2 m đến 1,7 m, có bông màu đỏ. Cây cỏ bàng trở nên quen thuộc và gắn bó trong đời sống hằng ngày của người dân. Từ xưa, người dân đã biết sử dụng cây cỏ bàng để làm nguyên liệu đan đệm cho trẻ em nằm, đan giỏ, nón… phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dân.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (bên phải) đang kiểm tra các sản phẩm từ cây bàng.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai (bên phải) đang kiểm tra các sản phẩm từ cây bàng.

Từ khi vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” Tân Phước được khai hoang trồng lúa, khóm, khoai mỡ… thì diện tích cây bàng dần bị thu hẹp và không còn đáp ứng đủ nhu cầu làm nguyên liệu cho sản xuất. Đến những năm 1997, 1998, để đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm từ bàng, cây bàng được nông dân trồng và phát triển cho đến ngày nay.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, đến tháng 6-2024, diện tích cây bàng được trồng chủ yếu ở các xã Phú Mỹ (7,5 ha), Tân Hòa Đông (10,9 ha), Tân Hòa Thành (30 ha), với năng suất từ 5 ngàn đến 7 ngàn neo/ha, giá bán hiện tại từ 25 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/neo, sau khi trừ chi phí người trồng còn lãi được từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha/vụ (vụ từ 10 tháng đến 12 tháng).

Anh Trương Văn Dũng (ấp 1, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước) cho biết, gia đình có 8 công đất trồng xen canh 2 vụ cây bàng 1 vụ lúa. Cây bàng vốn là cây mọc hoang nên rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc thấp; từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 11 đến 12 tháng với chi phí chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/công. Cây bàng sau khi thu hoạch lần đầu không cần trồng mới lại mà từ gốc cây bàng đã thu hoạch sẽ mọc lên những cây bàng tiếp theo với chu kỳ khoảng 8 đến 9 tháng thì cho thu hoạch đợt 2.

Người lao động đang thu hoạch trên cánh đồng bàng.
Người lao động đang thu hoạch trên cánh đồng bàng.

Hiện tại, cánh đồng bàng của gia đình anh Dũng đang cho thu hoạch với năng suất từ 800 neo đến 1.000 neo/công, với giá bán loại 1 là 31 ngàn đồng/neo, loại 2 là 22 ngàn đồng/neo, loại 3 là 15 ngàn đồng/neo (loại 1 cây bàng cao từ 1,55 m trở lên, loại 2 từ 1,2 m đến dưới 1,55 m, loại 3 dưới 1,2 m). Do điều kiện thổ nhưỡng và được chăm sóc kỹ nên cánh đồng bàng của gia đình anh chủ yếu cho thu hoạch loại 1, với giá bán như hiện nay, mỗi công trồng bàng sau khi trừ chi phí chăm sóc lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/công/vụ. Anh cho biết thêm, trước đây gia đình anh trồng lúa, kinh tế khó khăn. Gần 10 năm nay gia đình anh trồng xen canh 2 vụ cây bàng 1 vụ lúa thì cuộc sống được đảm bảo và kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn.

DUY TRÌ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Trước đây, do chưa có máy ép, người dân phải dùng sức người để giã cây bàng bằng chày cho đến khi mềm rồi đem đi phơi, sau đó được giã lần 2 rồi mới sử dụng đan sản phẩm. Từ sau những năm 1997, 1998 đến nay, công đoạn giã bàng đã được thay bằng máy ép, từ đó cho ra nhiều nguyên liệu sử dụng, cung cấp cho nhu cầu ngày càng cao của nghề đan bàng. Sự khéo léo của đôi tay và sự sáng tạo của những người thợ đan đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (ấp 3, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước) cho biết, bà đã theo nghề đan bàng gần 20 năm. Hiện tại gia đình bà cũng là địa điểm của Tổ Liên kết phụ nữ đan sản phẩm cây bàng, mỗi ngày có khoảng 10 đến 15 người đến đan các sản phẩm như: Nón, giỏ xách... Các neo bàng được thuê ép, sau đó phân loại ra; loại neo có chiều dài từ 1,1 m đến 1,3 m thì sử dụng đan nón, loại neo có chiều dài từ 1,6 m đến 1,7 m được sử dụng đan giỏ xách. Hiện tại, địa điểm của nhà bà Bé Hai đan nón và giỏ xách với nhiều kích thước và mẫu mã khác nhau, từ đơn giản không có hoa văn đến các sản phẩm có hoa văn.

Các người thợ đang đan các sản phẩm từ cây bàng.
Các người thợ đang đan các sản phẩm từ cây bàng.

Nếu nguyên liệu của gia đình thì thu nhập của một người đan bàng từ 150 đến 200 ngàn đồng/ngày, còn nguyên liệu phải mua thì thu nhập từ 70 đến 80 ngàn đồng/ngày. Bà Bé Hai cho biết thêm, công việc đan các sản phẩm cây bàng chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi, tranh thủ thời gian rảnh sau khi làm xong công việc gia đình; thời gian, địa điểm thì chủ động, có thể đến địa điểm của Tổ Liên kết để đan hay nhận bàng về đan tại nhà, từ đó giúp tăng thu nhập cho gia đình. Các sản phẩm từ cây bàng sau khi hoàn thành được thương lái đến thu mua và đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Theo UBND xã Tân Hòa Thành, do giá cả từ đầu năm 2024 đến nay luôn ở mức khá cao, từ 25 đến 30 ngàn đồng/neo, kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây bàng phát triểu tốt, nên diện tích trồng bàng năm 2024 tăng hơn các năm trước, từ khoảng 23 ha lên 30 ha. Hiện tại, xã có 17 cơ sở ép nguyên liệu cây bàng và 14 cơ sở thu mua các sản phẩm từ cây bàng. Đặc biệt, có sản phẩm giỏ bàng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Thành đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền nâng cao chất lượng, đa dạng các loại sản phẩm từ cây bàng, với nhiều mẫu mã thẩm mỹ cao phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, bàng là cây truyền thống đem lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người lao động, nhất là lao động nữ nhàn rỗi, lớn tuổi, sức lao động hạn chế có thể làm việc và tăng thu nhập, giúp cải thiện kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống. Hiện tại, thị trấn Mỹ Phước đang có mô hình trồng thử nghiệm 2,2 ha cây bàng làm ống hút, hứa hẹn nhiều chuyển biến tốt cho đa dạng sản phẩm thân thiện với môi trường.

HỮU THÔNG

.
.
.