Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp tham mưu chính sách hỗ trợ nông sản
Sáng nay (21/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các bộ trưởng, trưởng ngành về 9 lĩnh vực.
Quang cảnh phiên họp. |
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023, đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công Thương; Văn hóa, thể thao và du lịch.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn trong sáng 21/8, Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam hỏi về giải pháp tham mưu chính sách hỗ trợ nông sản.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đặt câu hỏi về giải pháp tham mưu chính sách hỗ trợ nông sản. |
Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới?
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài; đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. |
Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, việc chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.
"Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.
Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để chúng ta tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay chúng ta đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.
Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu.
Bên cạnh đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo TTXVN