Thứ Sáu, 02/08/2024, 10:24 (GMT+7)
.

Chương trình OCOP: Động lực mới cho nông thôn Tiền Giang

Hành trình xây dựng mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện dài về sự nỗ lực của đơn vị, địa phương. Đó có thể là những câu chuyện riêng bắt nguồn từ nhu cầu sinh kế của hộ gia đình, duy trì sản phẩm đặc trưng của quê hương, cũng có khi là giữ lại nghề truyền thống của gia đình… Trên thực tế, tùy theo điều kiện, tiềm năng và lợi thế, mà địa phương, đơn vị lựa chọn sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng để ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP, vừa phát triển kinh tế, vừa thúc đẩy sức sáng tạo, niềm tự hào của cộng đồng.

Nhưng dù xuất phát từ đâu, các sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang đều hướng đến chất lượng, thương hiệu và mong muốn sản phẩm được vươn xa, để mọi người cùng thưởng thức hương vị sản phẩm quê hương.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Nhờ OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã được nâng tầm, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Nhờ OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã được nâng tầm, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Song song đó, chương trình còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Thông qua thực tiễn triển khai, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát huy hiệu quả đúng tinh thần Chương trình OCOP đặt ra. Lạp xưởng gia truyền của Cơ sở sản xuất Tư Trung (TX. Cai Lậy) là một trong những sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Câu chuyện lạp xưởng gia truyền của Cơ sở sản xuất Tư Trung bắt nguồn từ 1 hộ gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề lạp xưởng.

Có thể nhận thấy từ thực tiễn rằng, ngày xưa, chỉ đến dịp tết chúng ta mới thấy lạp xưởng được bày bán nhiều. Nhưng với nhu cầu thưởng thức các món ăn ngon, ngày nay lạp xưởng không chỉ xuất hiện mỗi độ tết đến xuân về, mà còn hiện hữu trong các bữa cơm thường nhật hoặc các buổi tiệc chiêu đãi họ hàng, bạn bè…

Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, Cơ sở sản xuất Tư Trung đã cho ra đời những sản phẩm lạp xưởng gia truyền tươi thơm ngon, chất lượng với bí quyết gia truyền, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng quanh năm.

Xuất phát và học hỏi kinh nghiệm từ truyền thống nghề làm lạp xưởng của ông bà để lại, chị Lê Thị Kim Ngân (chủ cơ sở) đã kinh doanh và gắn bó với nghề trên chục năm nay. Cứ mỗi năm đi qua, chị Ngân đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm và bí quyết riêng trong sản xuất, chế biến.

Từ đó cho ra sản phẩm lạp xưởng tươi vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thơm ngon, đậm đà, làm hài lòng thực khách gần xa, chinh phục cả những khách hàng khó tính.

Theo chị Ngân, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề được cơ sở chú trọng và quan tâm hàng đầu. Bởi sản phẩm phải đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng thì mới tạo nên uy tín và thương hiệu. Cho nên các nguyên liệu khi nhập đều có giấy kiểm định của cơ quan Thú y. Cơ sở nói không với phụ gia, phẩm màu và hóa chất độc hại. Trong quá trình sơ chế, nhân viên đeo bao tay, khẩu trang và đồ bảo hộ. Để lạp xưởng ngon, nên chọn lựa những miếng thịt tươi, thịt nóng có độ dẻo, màu hồng nhạt…

“Dù đã có từ lâu đời nhưng thương hiệu của cơ sở trước đây chỉ được truyền từ người này sang người khác. Về sau, cơ sở được cơ quan nhà nước khuyến khích  đăng ký thương hiệu; đồng thời, công tác truyền thông, quảng bá mạnh mẽ hơn, nhờ đó mà thương hiệu được nhiều người biết đến hơn. Lạp xưởng gia truyền Cơ sở sản xuất Tư Trung đã đạt OCOP 3 sao, từ đó càng nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn”- chị Ngân cho biết.

Với niềm đam mê về ẩm thực, đặt biệt là các món bánh dân gian và bánh truyền thống, nhận thấy quê hương Cái Bè dồi dào về nguồn nguyên liệu để làm ra các món bánh, đặt biệt là bánh tét mà bất cứ người con nào cũng nhớ đến mỗi khi tết đến, xuân về, năm 2020, chị Phạm Thị Lệ Quyên (chủ hộ kinh doanh bánh tét Lệ Quyên) bắt đầu làm ra sản phẩm đầu tiên, với nhiều thiếu sót chưa được hoàn thiện.

Sau thời gian chỉnh sửa, tiếp thu góp ý từ những người quen biết và những khách hàng đầu tiên, chị Lệ Quyên dần hoàn thiện sản phẩm của mình hơn.

Chị Phạm Thị Lệ Quyên chia sẻ, thương hiệu có vai trò rất quan trọng, trong đó bao gồm các yếu tố như: Nguyên liệu chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và mẫu mã bao bì đẹp. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm cùng loại, giá cả cạnh tranh, để người tiêu dùng biết đến, ngoài chất lượng thì mẫu mã bao bì cần phải đẹp.

Chính vì thế, từ chất lượng tốt cho đến mẫu mã bao bì đẹp, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Hiện tại, bánh tét Lệ Quyên có 2 sản phẩm là nhân chuối và nhân thập cẩm, đã đạt OCOP 3 sao. Đây là tiền đề cho sản phẩm phát triển, thông qua các chương trình xúc tiến, thương mại. Bánh tét Lệ Quyên được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.

GÓP PHẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Trước đây, người dân dân thường sản xuất cơm cháy chà bông bằng cách đem phơi khô dưới nắng. Phơi nắng là giai đoạn mất nhiều thời gian và vất vả nhất, hơn nữa việc sản xuất cơm cháy có thể trì hoãn nếu trời đổ mưa, ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài. Điều này làm cơm cháy chà bông không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nhờ OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã được nâng tầm, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Nhờ OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã được nâng tầm, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Chính vì thế, hộ kinh doanh cơm cháy Cô Đèo (TX. Cai Lậy) đã tìm hiểu và thay đổi phương pháp sấy cơm cháy chà bông cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Từ đó, gia đình đầu tư máy sấy, từng bước thử nghiệm, cho đến nay sản phẩm được đánh giá tốt, chất lượng, đạt OCOP 3 sao. Thương hiệu của sản phẩm cũng dần được định hình dựa trên những nền tảng như thế.

Nhìn từ thực tiễn cho thấy, sản phẩm OCOP của Tiền Giang đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đa dạng phù hợp yêu cầu của thị trường. Sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP, các chủ thể đưa vào sản xuất phát triển mạnh trên thị trường, nhiều sản phẩm được đưa vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các giỏ quà tặng; các chủ thể ban đầu từ cơ sở phát triển lên thành doanh nghiệp; các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm, nổi bật nhất là sản phẩm OCOP từ Công ty TNHH TMDV Trí Sơn, Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, Mắm tôm chà Bà Hai Diễm… chuyển từ sản xuất nhỏ sang quy mô lớn, sản phẩm đang kết nối để xuất khẩu.

Chương trình OCOP đã có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh với những chuyển biến tích cực từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; từ sản xuất nguyên liệu thô sang xây dựng thương hiệu riêng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Chương trình OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm của tỉnh ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn, dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 280 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP ( gồm 102 sản phẩm 4 sao và 178 sản phẩm 3 sao với tổng số 130 chủ thể tham gia (23 chủ thể là hợp tác xã, 43 doanh nghiệp và 64 hộ sản xuất, kinh doanh).

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Chương trình OCOP sâu rộng hơn; tư vấn hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, tư vấn hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận; tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể và sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như: Đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ liên kết; tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tư vấn, hỗ trợ kết nối cung cầu…; đồng thời, chú trọng nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận OCOP.

Tỉnh cũng sẽ phối hợp tổ chức, giới thiệu, ưu tiên cho các chủ thể OCOP được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm, đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP…, phát triển các điểm bán hàng sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí nâng cao thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương; đồng thời, tạo bộ mặt, diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình OCOP đã trở thành một làn gió mới, thổi bùng lên sức sống của nền nông nghiệp. Nhờ OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã được nâng tầm, vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Nông dân không chỉ có cơ hội tăng thu nhập, mà còn được bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, để Chương trình OCOP đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

THIÊN LÝ - T.T

 

.
.
.